Theo SciTech Daily, phát hiện bất ngờ đến từ một ngôi sao lùn đỏ mang tên TOI-4600, cách Trái Đất khoảng 815 năm ánh sáng.
Nhóm khoa học gia đến từ NASA, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học New Mexico (Mỹ) đã phân tích chi tiết dữ liệu từ Vệ tinh Khảo sát ngoại hành tinh quá cảnh (TESS), một tàu vũ trụ của NASA mang theo đài quan sát chuyên săn tìm các thế giới ngoài hệ Mặt Trời.
Sao lùn đỏ TOI-4600 và hai “gã khổng lồ khí” mà nó nuôi dưỡng – Ảnh đồ họa: Tedi Vick
Quanh thiên thể thuộc lớp sao bé nhỏ và “lạnh” hơn nhiều so với Mặt Trời, họ đã kinh ngạc khi chứng kiến thứ như “thế giới của người khổng lồ”, vĩ đại hơn rất nhiều so với gã khổng lồ khí Sao Mộc – hành tinh có bán kính gấp 11 lần, khối lượng gấp 318 lần Trái Đất.
Thành viên đầu tiên trong “thế giới người khổng lồ” quanh TOI-4600 là TOI-4600b, bán kính lớn hơn Sao Mộc 6,8 lần và chu kỳ quỹ đạo quanh sao mẹ là 83 ngày.
Hành tinh bên ngoài là TOI-4600c, bán kính hơn Sao Mộc tới 9,4 lần và chu kỳ quỹ đạo “khủng” là 483 ngày. Đây chính là ngoại hành tinh có quỹ đạo dài nhất từng được biết đến.
Các dữ liệu sơ bộ cho thấy chúng có thể thuộc loại hành tinh khổng lồ khí – tức giống như Sao Mộc – nhưng thành phần bên trong có thể pha trộn giữa khí và băng.
Chúng như thu hẹp khoảng cách giữa các “Sao Mộc nóng” và Sao Mộc “nguyên bản” trong hệ sao của chúng ta, một gã khổng lồ lạnh lẽo. Đây là lần đầu tiên TESS tìm thấy một hệ sao trong đó 2 dạng Sao Mộc nóng và Sao Mộc lạnh cùng tồn tại.
Hành tinh bên ngoài có nhiệt độ siêu lạnh là âm 82 độ C, trong khi hành tinh bên trong ôn hòa hơn với 74 độ C.
Sau các kết quả nói trên vừa được công bố trên Astrophysical Journal Letters, nhóm tác giả cho biết họ sẽ tìm cách tiến sâu hơn vào vùng không gian còn bí ẩn xung quanh TOI-4600.
TS Ismael Mirele từ Đại học New Mexico, đồng tác giả, tiết lộ rằng họ nghi ngờ hai thế giới khổng lồ trên đang giấu kỹ một vài hành tinh nhỏ hơn, ở giữa hoặc xung quanh chúng.