Chiều tối 31-8 (giờ địa phương), tờ Bangkok Post dẫn lời ông Wissanu cho biết ông không xác nhận cũng như không bác bỏ thông tin “đơn xin ân xá của ông Thaksin đã được nộp”. Ông Wissanu chỉ nói đơn xin ân xá trên “chưa tới tay ông” cũng như “không biết nó được nộp hay chưa”.
Trước đó, hôm 29-8, luật sư của ông Thaksin, Winyat Chartmontree, thông báo các tài liệu cần thiết để hỗ trợ đơn xin ân xá của ông Thaksin đang được chuẩn bị. Ông Thaksin bị kết án 8 năm tù trong 3 vụ án riêng biệt.
Theo ông Wissanu, đơn xin ân xá sẽ do chính tù nhân nộp cho quản giáo để chuyển lên Cục Cải huấn Thái Lan. Sau đó, cục này có trách nhiệm chuyển đơn cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp để Bộ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng nộp đơn xin hoàng gia phê duyệt.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra tại sân bay Don Mueang hôm 22-8. Ảnh: Reuters
Khi được hỏi ai có khả năng nhận được đơn xin ân xá của ông Thaksin – Thủ tướng sắp mãn nhiệm Prayut Chan-o-cha hay Thủ tướng đắc cử Srettha Thavisin – ông Wissanu nói nếu đơn xin ân xá tới tay ông bây giờ, nó sẽ được chuyển cho ông Prayut. Tuy nhiên, ngay sau khi nội các mới nhậm chức, đơn xin ân xá sẽ được chuyển cho ông Srettha.
Nếu không được phê duyệt, ông Thaksin phải đợi thêm 2 năm mới được nộp đơn xin ân xá lần nữa.
Trong một diễn biến khác, nhà hoạt động chính trị Srisuwan Janya đã kiến nghị thanh tra viên điều tra các quan chức nhà nước bị cáo buộc dành sự ưu đãi cho ông Thaksin.
Ông Srisuwan nói: “Kể từ khi ông Thaksin trở về Thái Lan vào ngày 22-8 sau nhiều năm sống lưu vong ở nước ngoài, ông ấy được đối xử đặc biệt như thể ông ấy là một nhân vật quan trọng trong khi thực tế vẫn là một kẻ trốn chạy”.
Ông Srisuwan yêu cầu Văn phòng Thanh tra điều tra tất cả quan chức nhà nước có liên quan đến cáo buộc cung cấp đặc quyền cho ông Thaksin, bao gồm các quan chức của Cảnh sát Hoàng gia, Cục Cải huấn và bệnh viện đa khoa cảnh sát.