Bộ Y tế cho biết theo thống kê từ các địa phương, tuần qua cả nước ghi nhận 8.891 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). So với tuần trước (10.852 ca mắc, 3 trường hợp tử vong) số mắc SXH hơn giảm 18%. Trong đó, số nhập viện là 6.784 trường hợp, so với tuần trước (8.347 trường hợp nhập viện) số nhập viện giảm 18,7%.

Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 179.011 ca mắc SXH, 70 trường hợp tử vong. Tại Miền Bắc vào mùa nắng nóng, mưa nhiều đang là điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh SXH phát triển. Từ tháng 8 đến nay, tại Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc, số ca SXH tăng mạnh.

Bác sĩ thăm khám cho một trường hợp mắc sốt xuất huyết

Tại nhiều bệnh viện những ngày qua số bệnh nhân SXH nặng cũng gia tăng. Bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết hiện tại, bệnh viện đang điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân SXH và mỗi ngày tiếp nhận thêm từ 3-6 ca nặng từ tuyến dưới chuyển lên. 

Điển hình là trường hợp bệnh nhân nữ 38 tuổi, khi vào viện đã là ngày thứ 4 của bệnh, rất nặng, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu. Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân có tiến triển, qua giai đoạn nguy hiểm, sức khỏe tương đối ổn định, đang dần được dừng thở máy, cai thuốc an thần.

Thời gian qua, tại bệnh viện này đã có 4 trường hợp tử vong, nguyên nhân chính là do bệnh nhân chủ quan, vào viện muộn trong tình trạng suy gan, suy thận, có bệnh nhân nôn ra máu, chảy máu rất nhiều, xuất huyết trong cơ, xuất huyết tiêu hóa…

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lưu ý, SXH là bệnh cấp tính nên diễn biến nặng rất nhanh chóng. Người bệnh từ khi có dấu hiệu cảnh báo cho đến khi xuất hiện sốc, nếu không được xử lý phù hợp thì có thể chỉ khoảng vài tiếng.

Nhiều bệnh nhân SXH nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương

“Nguy cơ diễn biến nặng ở bệnh nhân SXH có thể xảy ra ở mọi đối tượng, tuy nhiên mô hình diễn biến có thể khác nhau. Ở trẻ nhỏ thường gặp tình trạng sốc nhiều hơn, ít có biến chứng chảy máu nghiêm trọng. Ở người già và người có bệnh nền, biến chứng chảy máu nghiêm trọng hơn, nhất là ở người loét dạ dày tá tràng, xơ gan có giãn tĩnh mạch. Nếu như xuất huyết xảy ra trên những bệnh nhân này thì việc xử lý cực kỳ khó khăn”- bác sĩ Cấp khuyến cáo.

Bệnh SXH ở miền Bắc thường bắt đầu từ tháng 7 kéo dài đến tháng 11. Thời điểm tháng 9, tháng 10 sẽ là đỉnh dịch. Tuy nhiên theo các bác sĩ năm nay, SXH có diễn biến bất thường khi nhiều ca nặng xuất hiện sớm hơn.

Lý giải điều này, các bác sĩ cho rằng có thể là đặc tính của virus hoặc diễn biến trên quần thể bệnh nhân có thay đổi, đặc biệt là sau một giai đoạn dài chống Covid-19 số người bị mắc Covid-19 rất nhiều, miễn dịch của người dân thay đổi, điều đó cũng làm ảnh hưởng đến diễn biến trên bệnh nhân SXH.

Các bác sĩ lưu ý, đặc điểm SXH là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

10 dấu hiệu cảnh báo bệnh diễn biến nguy hiểm

Theo các chuyên gia, bệnh SXH có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm, do đó người bệnh đến khám lại ngay khi có một trong các dấu hiệu sau:

Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn, uống được; nôn nhiều; đau bụng nhiều; tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ; biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì; khó thở.


N.Dung