Chiều 2-9-1945, trong khi nhân dân Sài Gòn đang tập hợp mít tinh mừng ngày Độc lập trước Bưu điện Thành phố, lính Pháp núp trên lầu cao của hãng Jean Comte sau nhà thờ Đức Bà bắn vào đoàn diễu hành làm nhiều người chết và bị thương. Sự kiện này chứng tỏ thực dân Pháp không chấp nhận nền độc lập của Việt Nam và âm mưu xâm chiếm nước ta một lần nữa.

Thề quyết chống quân xâm lăng ,

Với tư cách quân Đồng Minh vào giải giáp quân Nhật nhưng quân Anh đã dung túng thực dân Pháp và tạo điều kiện cho quân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam. Quân Anh đã thả 1.400 lính Pháp đang bị Nhật giam giữ và trang bị vũ khí cho lực lượng này cũng như Pháp kiều ở Sài Gòn.

Quân, dân Nam Bộ Dân trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến. Ảnh: Tư liệu

Trước sự ủng hộ của quân Anh, quân Pháp đã thực hiện treo cờ Pháp trước dinh Toàn quyền cũ, xé những thông cáo và bố cáo của Ủy ban nhân dân Nam Bộ ở các địa điểm. Chúng bắt bớ, đánh đập người dân trên các đường phố… Ngang ngược hơn nữa, đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, quân Pháp nổ súng và trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ, trụ sở Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ, Nhà dây thép, Nhà đèn, Kho bạc… Thực dân Pháp đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng, giành quyền kiểm soát Sài Gòn, tiến hành xâm lược nước ta một lần nữa…

Sáng 23-9-1945, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu gửi Lời kêu gọi kháng chiến: “Đồng bào Nam Bộ ! Nhân dân Thành phố Sài Gòn ! …Đêm qua Thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn. Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Tất cả đồng bào, già trẻ, trai, gái hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược! Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!”.

Nhân dân Sài Gòn nhất tề đứng lên dũng cảm chiến đấu với kẻ thù. Ảnh: Tư liệu

Ngay trong đêm 22, rạng sáng 23-9-1945, nhân dân Sài Gòn đã nhất tề đứng lên đánh lại Thực dân Pháp. Sáng 23-9-1945, Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã họp trên đường Cây Mai (Chợ Lớn), quyết định điện ra Trung ương xin ý kiến và chuẩn bị tinh thần, lực lượng cho cuộc kháng chiến.

Lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã được in hàng ngàn bản dưới dạng truyền đơn khổ nhỏ hoặc áp phích để phát tán trong ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Các truyền đơn bằng chữ Pháp cũng được in để cho người Pháp hiểu được sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta.

Ở hai mặt trận nội thành và ngoại thành, ta phối hợp chiến đấu, thực hiện “trong đánh, ngoài vây”, chia cắt lực lượng địch, không cho chúng mở rộng ra các tỉnh Nam Bộ. Ở nội thành, ta chia thành 16 khu tác chiến, mỗi khu có nhiều ổ đề kháng, còn ở ngoại thành lập 4 mặt trận: phía Đông Sài Gòn, phía Bắc và Tây Bắc Sài Gòn, phía Tây Sài Gòn và phía Nam Sài Gòn, kiên quyết siết chặt vòng vây không cho địch đánh nống ra.

Trước tình cảnh “sơn hà nguy biến”, để bảo vệ độc lập dân tộc, thành quả mà thắng lợi vĩ đại Cách Mạng Tháng Tám vừa mang lại, nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn và Nam Bộ đã quyết tâm bằng mọi thứ vũ khí trong tay, gậy tầm vông, nóp, giáo… dũng cảm chiến đấu, cầm chân địch cả tháng trời, gây cho địch nhiều tổn thất, không để chúng mở rộng chiến tranh gây tội ác cho nhân dân Nam Bộ, chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho một cuộc kháng chiến lâu dài…

Sài Gòn – Chợ Lớn và Nam Bộ không đơn độc…

Ngay sau khi nhận được ý kiến xin chỉ thị của Xứ ủy và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, Trung ương Đảng, Chính phủ đã đồng ý và kêu gọi cả nước chi viện cho nhân dân Nam Bộ kháng chiến.

Ngày 26-9-1945, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Huấn lệnh gởi đồng bào Nam Bộ: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Lòng kiên quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp chẳng những đã làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục, mà lại chứng tỏ cho thế giới đều biết cái quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam… Đồng bào phải kiên quyết, phải giữ vững sự tin tưởng ở tương lai và lập tức thi hành triệt để những lời thề quả quyết trong ngày độc lập”.

Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư biểu dương đồng bào Nam Bộ về “lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ”: “Chính phủ và đồng bào cả nước sẽ hết sức giúp đỡ những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”; “Các bạn ở tiền tuyến không bao giờ bị cô độc, vì đã có một khối toàn dân đoàn kết làm hậu thuẫn cho mình. Thắng lợi cuối cùng nhất định về ta”.

Thanh niên và nhân dân cả nước sôi nổi tình nguyện Nam tiến kháng chiến. Ảnh: Tư liệu

Đảng và Chính phủ cũng đã phát động một phong trào chi viện sức người và sức của cho nhân dân Nam Bộ. Hàng vạn thanh niên ở miền Bắc và miền Trung đã nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở các chiến trường Nam Bộ. Nhiều đoàn tàu chở lương thực, vũ khí, bộ đội cũng “Nam tiến” để chi viện cho đồng bào Nam Bộ. Chỉ ba ngày sau khi thực Pháp đánh chiếm Sài Gòn, một đoàn tàu hỏa đầu tiên chở bộ đội Nam tiến của các tỉnh Bắc Bộ rời ga Hàng Cỏ (Hà Nội). Trên đường vào Nam, mỗi lần ghé lại các ga, đoàn tàu lại nhận thêm các đơn vị vũ trang của các tỉnh chi viện cho chiến trường Sài Gòn.

Ở các tỉnh Nam Bộ, sau khi Sài Gòn nổ súng đánh Pháp, các địa phương lân cận cũng ngay lập túc chi viện cho mặt trận Sài Gòn – Chợ Lớn. Các tỉnh Nam Bộ đã gửi các đơn vị vũ trang lên Sài Gòn tham gia chiến đấu. Đặc biệt trên các mặt trận Thị Nghè, Cầu Bông…, người ta thấy nhiều dân quân người Mạ, người Stiêng… từ các tỉnh Biên Hòa, Thủ dầu Một đến, mặc trang phục dân tộc, sử dụng cung, nỏ, tên tẩm thuốc độc… sát cánh cùng quân dân Sài Gòn.

77 năm đã trôi qua nhưng tinh thần của ngày 23-9-1945 – ngày Nam Bộ kháng chiến, vẫn còn vang vọng mãi. Mỗi khi nghe vang lên giai điệu của bài hát Nam Bộ kháng chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn thì không khí của những ngày hào hùng đó lại trào dâng tinh thần quật khởi.

Dư âm vang vọng mãi!

Ngày Nam Bộ kháng chiến đã để lại cho nhiều thế hệ những giá trị và ý nghĩa to lớn.

Đó là tinh thần quật khởi ngay từ những giây phút đầu tiên bảo vệ độc lập dân tộc, không run sợ trước kẻ thù xâm lược, dù kẻ thù đó mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần. Đó là tinh thần đoàn kết “triệu người như một” mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, tạo nên sức mạnh toàn dân tộc, quét sạch kẻ thù xâm lược.

Đó là tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc tiến hành cuộc kháng chiến chống kẻ thù trong những ngày đầu gian khó sau Cách Mạng Tháng Tám 1945. Đó là kinh nghiệm về việc phát động và tổ chức một cuộc chiến tranh nhân dân ở một thành phố lớn trong điều kiện hạn chế về lực lượng và thông tin liên lạc…

Muôn thu sau lưu tiếng anh hào. Những điều đó đã làm nên dư âm ngày Nam Bộ kháng chiến vang vọng mãi.


PGS.TS – NGƯT Ngô Minh Oanh