Vào đầu năm nay, Bộ trưởng Giao thông đường bộ Ấn Độ Nitin Gadkari kêu gọi nỗ lực giảm 50% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông đường bộ vào năm 2025.

Tuy nhiên, trang Bloomberg nhận định không dễ đạt được mục tiêu trên do một loạt thách thức. Trước hết là chuyện thiết kế đường sá.

Ông S.Velmurugan, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu đường bộ trung tâm ở thủ đô New Delhi, cho biết khâu kiểm tra an toàn của thiết kế đường sá trước khi bắt đầu xây dựng không được quan tâm nhiều.

Các nhà phát triển dựa vào phần mềm để thiết kế đường sá mà không kiểm tra xem liệu chúng có đáp ứng nhu cầu của mọi người sử dụng hay không, cũng như bảo đảm không có thiếu sót nào… Theo ông S.Velmurugan, nếu các cơ quan chức năng làm nghiêm điều này, số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ có thể giảm đến 25%.

Tình trạng giao thông đông đúc, hỗn loạn ở một khu vực tại TP Mumbai – Ấn Độ Ảnh: BLOOMBERG

Một vấn đề khác là tuân thủ pháp luật. Ấn Độ có một số quy định giao thông nghiêm ngặt (như việc dùng điện thoại, nồng độ cồn) nhưng việc thực thi còn lỏng lẻo, theo Tổ chức Y tế thế giới.

  • Thách thức từ sớm của các hội nghị G20 do Ấn Độ tổ chức

Những sai phạm phổ biến là không tuân thủ tín hiệu giao thông, chạy xe trong lúc say xỉn, chạy xe máy chở từ 3 người trở lên… Thực tế cho thấy chạy quá tốc độ và đi sai phần đường là các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ.

Bà Preana Arora Singh, Giám đốc điều hành tổ chức People’s Trust ở TP Jaipur, đưa ra một số đề xuất như tập trung nhiều hơn vào điều hòa giao thông (giới hạn tốc độ ở khu vực quanh trường học, khu dân cư…), siết chặt hơn nữa các quy định giao thông, tăng cường giảng dạy an toàn giao thông tại trường học…

Động vật lang thang trên đường cũng đe dọa đến an toàn giao thông đường bộ. Tính đến năm 2019, có tới 5 triệu gia súc và 15 triệu con chó đi lạc ở Ấn Độ. Bà Singh cho rằng chính phủ cần cung cấp thêm nơi trú ẩn an toàn cho động vật đi lạc. Chính quyền địa phương sẽ quản lý những nơi này với sự hỗ trợ của các nhóm cộng đồng.


Anh Thư