Theo tờ Space, tàu NASA gặp nạn là Juno, chiến binh khám phá Sao Mộc của NASA và là một trong những tàu quỹ đạo mang lại nhiều chiến công nhất của cơ quan vũ trụ này.

NASA cho biết Juno đang tiếp tục khôi phục bộ nhớ sau sự cố gián đoạn dữ liệu vào tháng 12 năm ngoái, khiến những người điều khiển ở Trái Đất một phen bối rối vì không thể truy cập vào bộ nhớ của con tàu.

Tàu NASA mang tên Juno là chiến binh khám phá Sao Mộc – Ảnh: NASA

Sự cố xảy ra trong chuyến bay thứ 47 của con tàu quanh Sao Mộc. Các nhà điều hành từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA (JPL-NASA) nghi ngờ bức xạ cực mạnh của từ quyển khủng khiếp của Sao Mộc đã tấn công Juno, khiến hệ thống của nó bị lỗi.

Cũng có thể “kẻ tấn công” là Io, mặt trăng núi lửa khổng lồ của Sao Mộc.

JPL-NASA đã khởi động lại thành công hệ thống vào ngày 17-12-2022 và đặt nó vào “chế độ an toàn” với các hoạt động tối thiểu, như một biện pháp dự phòng.

Từ ngày 22-12-2022 đến nay, họ đã nỗ lực khôi phục dữ liệu cho Juno và trong tuyên bố ngày 31-12-2022, họ cho biết đã thành công.

“Dữ liệu khoa học từ chuyến bay gần nhất của tàu vũ trụ chạy bằng năng lượng Mặt Trời tới Sao Mộc và mặt trăng Io của nó vẫn còn nguyên vẹn” – NASA cho biết.

Dự kiến dữ liệu còn lại từ chuyến bay số 47 này sẽ về đến Trái Đất trong vài ngày tới, giúp các nhà khoa học đánh giá rõ ràng hơn sự cố và tình trạng của Juno.

Con tàu NASA này rời Trái Đất từ tháng 8-2011, du hành 2,7 triệu dặm đến quỹ đạo của Sao Mộc sau 5 năm.

Nó có nhiệm vụ trả lời các câu hỏi về thành phần và nguồn gốc của Sao Mộc cũng như khám phá các vệ tinh tự nhiên kỳ thú của hành tinh này, nhất là 4 mặt trăng khổng lồ Ganymede, Europa, Io, Calisto; trong đó Ganymede lớn hơn cả Sao Thủy và Europa được NASA coi như một đối tượng gần như chắc chắn chứa đựng sự sống ngoài hành tinh.


Anh Thư