Chiều nay 7-7, hơn 1 triệu thí sinh sẽ bước vào môn thi thứ hai là toán. Để giúp thí sinh làm bài thật tốt, thầy giáo Lưu Huy Thưởng, giáo viên môn toán, Hệ thống giáo dục Học Mãi, chia sẻ chiến thuật “dễ trước – khó sau”.

Chuyên gia đưa ra lời khuyên thí sinh hãy nháp cẩn thận, khoanh vùng rõ ràng

Mặc dù đề thi đã được Bộ GD-ĐT sắp xếp từ dễ đến khó, nhưng điều này chỉ mang tính chất tương đối. “Có bạn giỏi hình, có bạn lại sợ hình nên cần làm chắc chắn, chính xác 30 câu đầu. Hãy nháp cẩn thận, khoanh vùng rõ ràng. Nháp  xong 1 câu thì cách ra 1 chút rồi nháp câu tiếp” – thầy Thưởng lưu ý.

Cũng theo giáo viên này, khi tô đáp án, thí sinh làm xong câu nào là tô luôn câu đó. Tránh tình trạng cuối giờ cuống lại 1 câu tô 2 đáp án. Hoặc khi làm ra A nhưng lại tô B do… nhìn nhầm

Chuyên gia mách nước thí sinh nếu mục tiêu là 8-8,5 điểm thì 45 phút đầu tiên làm hết 30 câu, 45 phút còn lại làm 20 câu còn lại

“Cảm xúc lần đầu rất quan trọng. Có những lỗi sai ngớ ngẩn mà đôi khi kiểm tra lại cũng không phát hiện ra là mình sai. Bởi lẽ, lúc làm bài, ta đã ghi vào não “nó là đúng” nên việc kiểm tra bước sau não thường hay bỏ qua. Ví dụ: 2+3 nhiều khi đi thi lại thành 6. Và khi kiểm tra lại thì não cũng bỏ qua bước này vì nghĩ nó quá dễ, sai làm sao được” – thày Thưởng nhắc nhở thí sinh.

Để tối ưu hóa điểm số dựa trên mục tiêu, chuyên gia mách nước thí sinh nếu mục tiêu là 8-8,5 điểm thì 45 phút đầu tiên làm hết 30 câu, 45 phút còn lại làm 20 câu còn lại (làm 10-13 câu còn lại) 7 câu cuối lụi. Nếu mục tiêu 9 đến trên 9 điểm thì 45 phút đầu xong 40 câu, 45 phút còn lại dành cho 10 câu.

Khoảng 38 câu đầu trong đề thi môn Toán là các câu hỏi dễ ăn điểm, vì vậy, các thí sinh cần làm bài một cách cẩn thận và chính xác nhất

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Khuyên đưa ra lời khuyên thí sinh khi làm bài đến đâu, chắc đến đó. Làm đến đâu, khoanh đến đó.                                      

“Khoảng 38 câu đầu trong đề thi môn Toán là các câu hỏi dễ ăn điểm. Vì vậy, các bạn học sinh cần làm bài một cách cẩn thận và chính xác, nhất là với các học sinh có trung bình, trung bình khá” – cô Nguyễn Thị Khuyên tư vấn.                                                                          

Với các câu hỏi khó, nếu đọc đề lần đầu đã nghĩ ra hướng giải thì thí sinh ưu tiên làm trước. Với những câu đọc đề lần đầu chưa nghĩ ra hướng giải thì các em nên bỏ qua, không sa đà vào tìm cách giải. Học sinh nên ưu tiên làm hết các câu có hướng làm trước và quay lại suy nghĩ hướng giải của các câu chưa làm ra sau khi kiểm tra lại đáp án của các câu hỏi còn lăn tăn, vướng mắc. 

“Các em hãy tô hết đáp án, kể cả với các câu hỏi không tìm được kết quả. Sau đó kiểm tra lại thông tin 1 lần cuối trước khi nộp bài (Như SBD, mã đề thi,…). Và đặc biệt, không nên so đáp án để tránh gây tâm lí cho các bài thi sau” – cô Khuyên chia sẻ.


Yến Anh – Ảnh: Hữu Hưng