Ngày 30-7, ông Nguyễn Anh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH chế biến Trường Thịnh (đóng tại Khu công nghiệp Quảng Phú, tỉnh Quảng Ngãi), cho biết công ty của ông vừa bị ngành điện lực xử phạt vì sử dụng điện ít so với hợp đồng đã ký.
Theo ông Tâm, trong thời gian qua, vì không có hàng hải sản để chế biến nên sản lượng điện tiêu thụ trong từng tháng của công ty ông không vượt qua được con số trên 50% so với tổng sản lượng điện tối thiểu quy định hàng tháng mà doanh nghiệp ông phải sử dụng là gần 200.000 kWh, như cam kết trong hợp đồng đầu tư trạm biến áp với Công ty Điện lực Quảng Ngãi.
Vì vậy, công ty ông liên tục nhận thông báo nộp tiền phạt và tiền bồi thường do vi phạm thoả thuận hợp đồng đầu tư công trình với ngành điện. Có tháng, riêng tiền phạt và tiền bồi thường hợp đồng ông phải đóng hơn 8 triệu đồng.
Ông Nguyễn Anh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH chế biến Trường Thịnh (bên phải) đứng cạnh trạm biển áp do ngành điện đầu tư. Ảnh: T.Trực
Ông Tâm cho rằng quy định sử dụng không đủ sản lượng điện quy định trong từng tháng sẽ bị phạt của ngành điện đang gây thiệt thòi cho những doanh nghiệp như mình. Bởi có tháng hàng hoá nhiều, doanh nghiệp ông đều sử dụng vượt xa so ngưỡng tối thiểu về sản lượng sử dụng điện mà ngành điện quy định. Ngay cả sản lượng sử dụng chia đều ra cho cả năm cũng đều vượt. Riêng năm 2022, doanh nghiệp của ông đã đóng tiền điện hơn 2,6 tỉ đồng nhưng liên tục bị phạt do những tháng sử dụng ít điện.
“Tháng nào chúng tôi sử dụng không đủ là bị phạt, còn tháng kia có dùng dư lên 50% thì cũng thu đủ. Doanh nghiệp đang khó khăn mà cứ bị phạt tháng 8 triệu đồng gây rất nhiều khó khăn. Khi chúng tôi kiến nghị, ngành điện nói do quy định… Đằng này đi tuyên truyền tiết kiệm điện nhưng khi sử dụng điện ít lại phạt người ta – ông Tâm bức xúc.
Theo tìm hiểu, có nhiều doanh nghiệp ở Quảng Ngãi cũng bị phạt tương tự. Doanh nghiệp nào đã ký hợp đồng với điện lực để đầu tư trạm biến áp nhưng sử dụng không đủ sản lượng điện quy định sử dụng càng ít thì bị phạt càng cao.
Ông Phan Vũ Đông Quân, Phó giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ngãi, cho biết phần lớn công trình điện được đầu tư đều do Công ty Điện lực Quảng Ngãi vay vốn thương mại để thực hiện. Khi vay vốn thương mại, chúng tôi phải trả lãi hàng tháng và khi tính toán đưa ra quy định này để ràng buộc, tăng cường trách nhiệm của khách hàng trong việc đăng ký sử dụng điện một cách thực tế, tránh trường hợp đăng ký nhiều nhưng sử dụng thấp.
“Trong hợp đồng có quy định rõ nếu sản lượng sử dụng điện hàng tháng thực tế nhỏ hơn 50% so với sản lượng điện đăng ký trong hợp đồng đầu tư sẽ vi phạm hợp đồng và bị phạt theo quy định trong hợp đồng. Việc xử phạt này, chúng tôi dùng để trả lãi vay hàng tháng và một phần khấu hao của công trình điện đầu tư” – ông Quân nói.
Còn riêng về kiến nghị vì sao ngành điện không cộng dồn tổng sản lượng điện tiêu thụ cả năm để chia đều cho 12 tháng trong năm để làm căn cứ để xử phạt, phía Công ty Điện lực Quảng Ngãi cho rằng không thể tính theo cách này vì tiền vay để đầu tư những trạm biến áp phải trả tiền lãi vay hàng tháng nên phải áp theo tháng để xử lý các doanh nghiệp vi phạm hợp đồng.