Ngày 5-11, Bộ Công Thương cho biết Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Chỉ thị nêu rõ trong thời gian vừa qua, có hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu tại một số địa phương đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán hàng với số lượng hạn chế, tạo ra ảnh hưởng nhất định đến tâm lý, đời sống sinh hoạt của người dân cũng như nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, doanh nghiệp.

Xăng đựng trong chai nhựa, bán trên vỉa hè Hà Nội. Ảnh: Hữu Hưng

Để thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 2-11-2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trưởng các tỉnh, TP tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương và lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường việc kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình, yêu cầu các đơn vị hoạt động đúng theo nội dung Giấy xác nhận đủ điều kiện đã được cấp, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm nguồn cung xăng dầu trên địa bàn.

Đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao được cho phép theo quy định của pháp luật.

Riêng đối với trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, lực lượng quản lý thị trường được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương kiểm tra để làm rõ nguyên nhân, lý do tạm ngưng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc theo quy định; kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù là bất kể thương nhân ở loại hình nào.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo, tổ chức công tác giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu. Thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay cho các hành vi vi phạm.

Cùng ngày, tại phiên chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Đoàn Hồng Phong, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã tham gia làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu về vấn đề khan hiếm xăng dầu.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, tình hình xăng dầu thế giới cũng như trong nước những ngày vừa qua có diễn biến mới. Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết nguồn cung xăng dầu trên thế giới khan hiếm, Châu Âu tăng thu mua lượng dầu hiện có của các nguồn cung. Bên cạnh đó, tỉ giá ngoại tệ liên tục thay đổi, việc tiếp cận nguồn vốn, bảo lãnh thanh toán gặp khó khăn đã ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu xăng dầu.

Do đó, theo Bộ trưởng, đã xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung cục bộ tại một số thành phố lớn, nơi tập trung đông dân cư. “Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, mỗi ngành chức năng đang làm tốt hơn chức trách nhiệm vụ của mình. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp hiệu quả hơn”- ông Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Người đứng đầu Bộ Công Thương cho biết cơ quan này vừa có ý kiến thống nhất với Bộ Tài chính về việc điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu tư nước ngoài về Việt Nam, dự kiến sẽ áp dụng từ kỳ điều hành giá ngày 11-11, tháo gỡ tương đối tốt khó khăn hiện tại. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng bày tỏ tin tưởng những ngày tới, những bất cập trên thị trường xăng dầu sẽ cơ bản được giải quyết.


Minh Phong