Theo đó, Hộ chiếu phổ thông đã được cấp trước ngày 1-1-2023 theo các mẫu đã ban hành trước đây vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu. Ngoài ra, hộ chiếu được cấp từ 1-1 tách riêng các nội dung “họ”, “chữ đệm và tên” trên 2 dòng riêng biệt. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam khi làm thủ tục xuất nhập cảnh, cư trú ở nước ngoài, giúp các cơ quan chức năng nước ngoài phân định được đâu là họ, đâu là tên của công dân Việt Nam.

Bổ sung thông tin ‘”nơi sinh” trên hộ chiếu từ ngày 1-1-2023

Cũng theo Thông tư số 68/2022/TT-BCA, hộ chiếu được cấp từ 1-1-2023 vẫn giữ nguyên thiết kế về hình thức, chất liệu, đặc điểm bảo an như mẫu hộ chiếu đã ban hành trước đây.

Còn việc ghi riêng thông tin “họ,” “chữ đệm và tên” phù hợp với Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Bộ luật Dân sự, Luật Hộ tịch. Việc chỉnh lý này cũng đảm bảo đồng nhất dữ liệu thông tin của công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh với dữ liệu quốc gia về dân cư; phù hợp với thông lệ quốc tế và được nhiều quốc gia sử dụng.

Cục Quản lý Xuất nhập cảnh bắt đầu triển khai cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chip theo mẫu mới cho công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước từ ngày 1-7-2022. Mẫu hộ chiếu mới được thiết kế công phu, trên mỗi trang là hình ảnh tiêu biểu về phong cảnh, hình tượng về chủ quyền quốc gia, di sản văn hóa nổi tiếng như: Vịnh Hạ Long, kinh đô Huế, đền Hùng, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, bến cảng Nhà Rồng, cột cờ Lũng Cú.

Thời gian tới, Cục Quản lý xuất nhập cảnh sẽ triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử cho công dân. Chip điện tử được đặt trong bìa sau của hộ chiếu. Người dân không bắt buộc phải làm hộ chiếu gắn chip. Quyền lựa chọn sử dụng loại phổ thông mẫu mới hoặc gắn chip thuộc về người dân. Hai mẫu giấy tờ này có thể sử dụng song hành, đều có thời hạn 10 năm.


Nguyễn Hưởng