Theo thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang khẩn trương triển khai việc hình thành các trung tâm dự trữ thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung.

Bộ Y tế dự kiến hình thành 3-6 trung tâm trên cả nước. Số lượng danh mục các thuốc dữ trữ khoảng từ 15-20 loại, trong đó có thuốc giải độc botulinum.

Thuốc BAT giải độc botulinum được WHO viện trợ, chuyển từ Thụy Sĩ đến TP HCM. Ảnh: Hà Minh

Đọc thêm

Theo đại diện Cục Quản lý dược, căn cứ pháp lý về thuốc hiếm cơ bản đã đầy đủ, do đó Cục Quản lý dược đã có những văn bản đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước cần chủ động trong công tác xây dựng nhu cầu, dự báo tình hình dịch bệnh, dự trù số lượng cần thiết và mua sắm thuốc đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, đặc biệt với các thuốc hiếm.

Hiện Cục Quản lý Dược đang làm việc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để nghiên cứu về cơ chế tồn trữ của WHO, và làm sao để có sự liên thông giữa việc tồn trữ thuốc hiếm, thuốc ít nguồn cung ở Việt Nam với các nước xung quanh khu vực, cũng như các kho của WHO.

Liên quan đến việc ngộ độc bolutium, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa đưa ra các khuyến cáo nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, đối với phòng chống ngộ độc botulinum người dân hạn chế sử dụng thiết bị đóng túi hút chân không tạo điều kiện môi trường yếm khí thuận lợi cho Clostridium botulinum phát triển.

Liên quan đến việc điều trị 3 bệnh nhân ngộ độc botulinum tại TP HCM, một trẻ điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 2 chuẩn bị được xuất viện. Hai bệnh nhân còn lại ở Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn đang được các bác sĩ nỗ lực cứu chữa, tiên lượng dè dặt.


N.Dung