Tết Nguyên đán là ngày lễ được tổ chức trên khắp châu Á nhưng mỗi nơi lại có phong tục đón năm mới riêng.

Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất, đồng thời là cơ hội để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và người cao tuổi. Tết kéo dài trong 3 ngày.

Đặc biệt, mỗi người Hàn Quốc sẽ thêm một tuổi mới khi họ đón Tết Nguyên đán thay vì thêm một tuổi mới vào ngày sinh nhật như thông lệ quốc tế.

Ảnh: Travel and Leisure

Trong ngày Tết, mọi người sẽ mặc trang phục truyền thống (được gọi là hanbok) và trẻ em thể hiện sự kính trọng với người cao tuổi bằng cách cúi chào (được gọi là seh bae). Trẻ em cũng nhận được tiền lì xì và lời chúc.

Sau seh bae, mọi người ăn các món truyền thống như mandu (bánh xếp Hàn Quốc) và dduk-guk (súp bánh gạo thái mỏng). Các món ăn ngày Tết khác bao gồm mandu-guk (súp bánh bao), galbijjim (sườn bò om), japchae (mì thủy tinh) và ddeok (bánh gạo).

Người Hàn Quốc cũng chơi một số trò chơi dân gian để đón băm mới và cầu may, như chơi que gỗ (Yut Nori) và thả diều (yeonnalligi).

Trung Quốc

Vào đêm giao thừa, các gia đình ở Trung Quốc tụ tập để chờ khoảnh khắc thiêng liêng này. Mọi người sẽ mặc trang phục thể hiện sự may mắn, thường là màu đỏ hoặc vàng.

Ảnh: The Conversation

Người Trung Quốc sống ở miền Bắc có các món ăn truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán được làm từ bột mì, như bánh bao, bánh kếp, mì và há cảo. Trong đó, bánh bao thường đi kèm món cá – tượng trưng cho sự sung túc. Trẻ em sẽ tìm đồng xu may mắn giấu trong những chiếc bánh bao. Các thành viên trong gia đình sẽ tặng phong bao lì xì màu đỏ cho nhau.

Người Trung Quốc kiêng mua giày mới trong dịp Tết Nguyên đán và dọn dẹp nhà cửa trước đó để những điều may mắn không trôi mất vào đầu năm. Cũng vì lý do này, họ không cắt tóc và gội đầu vào dịp Tết.

Việt Nam

Ở Việt Nam, Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết cổ truyền. Các gia đình cũng quây quần vào đêm giao thừa. Những món ăn truyền thống như bánh tét và bánh chưng không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Bánh chưng được ưa chuộng ở miền Bắc. Các món ăn khác bao gồm củ kiệu (hành ngâm), giò chả và mứt.

Ảnh: Food & Drink

Giống như các quốc gia khác, Việt Nam có trang phục truyền thống của riêng mình — áo dài – được cả nam lẫn nữ mặc trong dịp Tết. Hầu hết gia đình sẽ cùng nhau đi chùa để cầu may mắn, sức khỏe và tài lộc. 

Singapore

Với khoảng 75% dân số là người Hoa, Singapore đón Tết Nguyên đán hoành tráng không thua gì Trung Quốc đại lục. Du khách có thể thưởng thức đủ loại món ăn từ bánh nếp đến bánh dứa tại đây. Một món ăn truyền thống khác thường xuất hiện trong dịp này là yusheng (salad cá sống).

Ảnh: Gardens by the Bay

Trẻ em cũng được lì xì phong bao màu đỏ, trong khi mọi người bày tỏ lòng kính trọng với tổ tiên bằng cách đến chùa và thắp nhang.

Cuộc diễu hành Chingay, diễn ra hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán, quy tụ mọi thứ, từ xe diễu hành khổng lồ đến “vũ công sư tử”. Lễ hội lớn nhất được tổ chức ở Singapore vào dịp Tết Nguyên đán là River Hongbao, diễn ra tại nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước.

Malaysia

Ở Malaysia, Tết Nguyên đán được xem là dịp chào đón mùa xuân và các gia đình quây quần bên nhau. Kỳ nghỉ kéo dài 15 ngày. 

Ảnh: Wonderful Malaysia

Yee sang là món salad có thể tìm thấy ở hầu hết bàn ăn trong dịp Tết Nguyên đán vì nó tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng. Bánh nếp cũng rất phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán.

Quả quýt tượng trưng cho sự may mắn, trong khi trẻ em và các thành viên chưa kết hôn trong gia đình sẽ nhận được phong bao màu đỏ. Nhiều gia đình theo đạo Phật mời những người múa lân đến nhà để cầu phúc và xua đuổi tà ma.

Trang phục Tết Nguyên đán truyền thống của người Malaysia là sườn xám, có màu đỏ. Họ sẽ mặc trang phục màu vàng nếu đó là “năm tuổi” để cầu may mắn. 

Đài Loan (Trung Quốc)

Ở Đài Loan, hầu hết mọi người đều về nhà đón Năm mới cùng gia đình. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán được ví như “kỳ nghỉ ẩm thực” bởi cư dân hòn đảo có rất nhiều món ăn truyền thống nhân dịp này. Hai trong số đó phải kể tới bánh nếp và dứa.

Việc không ăn hết cá và giữ lại một ít thức ăn thừa từ bữa ăn ngày Tết Nguyên đán được xem là điều may mắn. Trẻ em được lì xì phong bao màu đỏ. Nhiều khu phố còn tổ chức đốt pháo ăn mừng.

Ảnh: Facebook

Philippines

Khi đồng hồ điểm thời khắc giao thừa ở Philippines, cả trẻ em lẫn người lớn sẽ nhảy lên vì tin rằng điều đó sẽ khiến họ cao lớn hơn.

Các gia đình cùng nhau tổ chức một bữa tiệc đêm giao thừa để ăn mừng một năm thịnh vượng sắp tới. Trên bàn thường bày đầy trái cây theo hình tròn – truyền thống bắt nguồn từ Trung Quốc – bởi hình dạng này tượng trưng cho sự may mắn.

Ảnh: Uncharted Philippines

Những món ăn ngày Tết Nguyên đán ở Philippines thường làm từ gạo nếp như bánh ngọt biko, bánh gạo nướng bibingka và bánh nếp nian gao. Chúng được cho là giúp gắn kết mọi người với nhau. Người Philippines cũng thưởng thức pancit (mì sợi dài) để mong khỏe mạnh, trường thọ và may mắn cho năm tới.

Mọi người thường mặc trang phục chấm bi, đốt pháo hoa để đuổi tà, bật đèn, mở cửa và không tiêu tiền vào ngày đầu tiên của năm mới để tránh “thất thoát tài chính”.


Phạm Nghĩa