Chiến lược PCTHTL thay vì chỉ có hai lựa chọn là “bỏ hoặc chết”, có thể cân nhắc phương án thứ ba, mở rộng từ góc độ thấu cảm hơn với suy nghĩ và nhu cầu của người hút đến cởi mở hơn với các giải pháp và sản phẩm giảm tác hại nhằm nâng cao sự hợp tác của người dùng, từ đó điều chỉnh phương pháp quản lý phù hợp?

Vấn đề nan giải

Các thống kê cho thấy chỉ 8 – 10% người hút thuốc cai bỏ thành công. Ở một số quốc gia đang phát triển, tỷ lệ này còn thấp hơn nhiều, ví dụ như ở Philippines chỉ là 4%. Việt Nam hiện vẫn hiện diện trong top 15 nước hút thuốc lá cao nhất thế giới với tỷ lệ bỏ thuốc lá thành công thấp. Bên cạnh hơn 15,6 triệu người hút thuốc lá hiện nay, có đến 34,5 triệu người hút thuốc thụ động mà đa số là phụ nữ và trẻ em; mỗi năm, số ca tử vong vì thuốc lá lên đến 40.000 người…

Đây là bài toán nan giải đòi hỏi phải có giải pháp tích cực, hiệu quả giúp tăng tỷ lệ người bỏ thuốc, đồng thời giảm tác hại của thuốc lá một cách thực tiễn. Cần nhìn nhận rằng, người hút thuốc lá điếu vẫn đang bị phơi nhiễm với hàng nghìn hợp chất độc hại từ khói thuốc do quá trình đốt cháy tạo ra, dẫn đến rủi ro mắc các bệnh nguy hiểm cho chính bản thân họ và những người xung quanh.

Khói thuốc lá từ quá trình đốt cháy là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong

Trong bài phỏng vấn với báo New Europe, GS. David Khayat, cựu Chủ tịch Viện Ung thư Quốc gia của Pháp và Trưởng khoa Ung bướu tại bệnh viện Clinique Bizet, Paris chia sẻ: “Cai thuốc lá là điều nên làm, nhưng nếu không thể, với tư cách là người quan tâm đến tình hình sức khỏe cộng đồng, chúng tôi có trách nhiệm tìm ra giải pháp giúp người hút thuốc giảm bớt hậu quả từ hành vi không lành mạnh của họ. Là bác sĩ, tôi nghĩ chúng ta phải xem các chứng nghiện cũng là bệnh. Chúng ta phải hiểu bệnh, quá trình bệnh phát triển, cơ chế của bệnh, và tìm cách điều trị bệnh.”

Thuốc lá không khói – phương tiện để giảm tác hại thuốc lá trên toàn cầu

Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tuyên truyền, khuyến khích người hút thuốc lá điếu cai bỏ hoàn toàn, hiện nay cộng đồng y giới và khoa học trên thế giới đều có xu hướng ủng hộ chính phủ các nước sở tại đưa các giải pháp giảm tác hại của khói thuốc lá như một phần của chính sách bảo vệ sức khỏe cho người hút thuốc và cộng đồng.

Các giải pháp này bao gồm việc nghiên cứu, đánh giá khả năng giảm thiểu phơi nhiễm lên cơ thể người sử dụng và người xung quanh của các sản phẩm thay thế thuốc lá điếu như thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá ngậm snus… (gọi chung là thuốc lá thế hệ mới hoặc thuốc lá không khói, thuốc lá công nghệ).

Phân tích ở góc độ khoa học, các chuyên gia cho rằng, nếu không có quá trình đốt cháy tương ứng với làn khói màu đen có chứa tất cả các chất hóa học gây ung thư, và thay thế bằng làn khí hơi màu trắng (khi làm nóng nguyên liệu thuốc lá hoặc nicotine hóa lỏng), thì dòng khí hơi này chứa hàm lượng các chất gây ung thư hơn ít hơn trong khói đến 95%. Đó là số liệu thống kê từ các tổ chức như FDA Hoa Kỳ cũng như các cơ quan ngang cấp của họ tại Anh hay châu Âu nói chung.

Thuốc lá không khói cần được sớm đưa vào quản lý và thương mại hóa tại Việt Nam

Tại hai quốc gia có tỷ lệ tử vong do thuốc lá ở nam giới thấp nhất là Thụy Điển và Na Uy, thống kê chỉ ra, một tỷ lệ lớn nam giới hút thuốc đã chuyển từ thuốc lá điếu sang thuốc lá ngậm snus. Kết quả là, tỷ lệ tử vong do thuốc lá của quốc gia này lại thấp hơn tất cả các nước có mức độ thực hiện chặt chẽ hơn chính sách MPOWER của WHO, ngoại trừ Na Uy. Kết quả này cung cấp thêm bằng chứng ủng hộ cho chiến lược giảm THTL bằng việc chuyển đổi từ thuốc lá điếu đốt cháy sang các sản phẩm công nghệ không khói.

Tại New Zealand, chính sách kiểm soát thuốc lá cũng khuyến khích người hút thuốc chuyển đổi sang sử dụng TLĐT như một biện pháp giảm thiểu tác hại.

Còn đối với TLLN, ngoài các quốc gia tiên tiến từ Âu Mỹ như Anh, Mỹ, Đức, Pháp, Ý… đến châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand, các nước láng giềng trong khối ASEAN như Malaysia, Indonesia, Philippines… đều đã chính thức cho phép người dùng tiếp cận sản phẩm.

Tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá không khói vẫn chưa được đưa vào quản lý, dẫn đến tình trạng buôn lậu ngày càng trở nên mất kiểm soát. Các chuyên gia có tư duy cởi mở cũng quan ngại rằng, những sản phẩm thuốc lá không khói nhập lậu, không nguồn gốc xuất xứ và tiêu chuẩn chất lượng đang tràn lan trên thị trường hiện nay không chỉ gây rối loạn thị trường, mà còn là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe người dùng.

Không chỉ người hút thuốc và người không hút thuốc đều đang cần được bảo vệ, mà các Bộ, ngành liên quan cũng như các cơ quan y tế đều rất trông đợi một chính sách kiểm soát thuốc lá toàn diện hiệu quả hơn. Từ góc độ quản lý, nếu không có hướng tiếp cận hợp lý, hợp thời hơn thì một mặt, các hệ lụy xã hội và thiệt hại ngân sách quốc gia do bỏ ngỏ quản lý vẫn còn tồn tại, mặt khác gánh nặng y tế đối với bệnh tật do khói thuốc lá đốt cháy gây ra sẽ tiếp tục làm suy yếu nỗ lực PCTHTL.


Phụng Đài