Chiều 28-2, tại hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” do Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), Sở Công Thương TP HCM phối hợp Báo Tuổi trẻ tổ chức, các chuyên gia cho rằng xây dựng Luật Phát triển Công nghiệp để thúc đẩy cho phát triển các ngành công nghiệp, làm nền tảng thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công hơn.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Ngô Minh Châu cho biết tại TP HCM, ngành công nghiệp chiếm khoảng 18% GRDP và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế Thành phố. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 2016 đến nay, cơ cấu ngành công nghiệp Thành phố đã chuyển dịch đúng định hướng, cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu tăng từ 52,8% năm 2016 lên 55,82% năm 2020. Trong đó, ngành công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Theo ông Ngô Minh Châu, công nghiệp hỗ trợ được xác định là lĩnh vực ưu tiên cần tập trung phát triển. Chính vì vậy, từ Đại hội X đến nay, TP HCM đã triển khai rất nhiều giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ như thành lập Ban chỉ đạo phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố; thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố trực thuộc Sở Công Thương; tổ chức kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, kích cầu đầu tư…

Toàn cảnh buổi hội thảo hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu – Ảnh: HỮU HẠNH

Còn ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp – Sở Công Thương TP HCM, cho hay từ năm 2015, TP HCM đã bắt đầu xây dựng đề án thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Thành phố thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia, là nền tảng cho tỷ lệ nội địa hóa của thành phố luôn đạt trên 50%.

Tuy nhiên, đến nay ngành này vẫn chưa thực sự phát triển do chưa được luật hóa, công tác quản lý quy hoạch, chiến lược phát triển, đặc biệt trong quản lý và liên kết vùng còn hạn chế. Công tác quản lý nhà nước với lĩnh vực công nghiệp còn phân tán, đa số doanh nghiệp là nhỏ và vừa, nên bị hạn chế về nhân sự, nguồn lực tài chính, nghiên cứu phát triển sản phẩm.

“Cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý là Luật Phát triển Công nghiệp và thành lập Ban Chỉ đạo phát triển công nghiệp quốc gia” song song với tập trung phát triển quỹ đất công nghiệp, nguồn nhân lực, phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, kết nối cung cầu… ” – ông Hào đề xuất. 

Ở góc độ chuyên gia, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế (CIEM), cho rằng chưa có đáp án cụ thể cho câu hỏi Việt Nam có công nghiệp hóa – hiện đại hóa thành công không. Ông nói thêm, khi đã xác định “hạt giống tiềm năng” thì cần có chính sách hỗ trợ quan trọng, đặc biệt là hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu đàn. 

Công bố khảo sát về tình hình thực tiễn của doanh nghiệp, bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành NC Network, doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn trong tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguồn nhân lực, thiết bị máy móc, vấn đề tài chính, tiêu chuẩn chứng chỉ liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu… Đến nay, số lượng doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ đã tăng mạnh nhưng vẫn chưa đủ. Thị trường vẫn thiếu doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghệ nguồn như khuôn, đúc, ép nhựa, hàn, xử lý nhiệt…


Thanh Nhân