Theo The Guardian (Anh), El Nino được dự báo sẽ quay lại vào cuối năm 2023, làm trầm trọng thêm thời tiết khắc nghiệt toàn cầu và rất có khả năng đẩy thế giới khỏi “mốc nguy hiểm” – nóng hơn 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp.

El Nino và La Nina là 2 pha nóng – lạnh được thúc đẩy bởi dao động tự nhiên của nhiệt độ đại dương và gió ở Thái Bình Dương. La Nina – pha lạnh – trong 3 năm qua lẽ ra khiến thế giới mát hơn nhưng biến đổi khí hậu đã biến năm 2022 thành năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 trong lịch sử nhân loại. Với El Nino, kỷ lục nhiệt độ mới có thể được xác lập vào năm 2024, sau kỷ lục cũ ghi nhận năm 2016.

Cho đến nay, khí nhà kính do con người tạo ra đã làm tăng nhiệt độ toàn cầu lên mức 1,2 độ C so với thời tiền công nghiệp, dẫn đến các hậu quả khí hậu tàn khốc như hạn hán ở Mỹ hay “đại hồng thủy” ở Pakistan và Nigeria. 

California hôm 16-1 tan hoang vì 9 con sông khí quyển gây bão lũ, tuyết đổ suốt 3 tuần lễ, sau khi đối diện với một mùa hè hạn hán kỷ lục Ảnh: REUTERS

Theo giáo sư Adam Scaife, người đứng đầu bộ phận dự đoán tầm xa của Văn phòng Khí tượng Anh (Met Office), khả năng xảy ra hiện tượng vượt mốc 1,5 độ C trong 5 năm tới là 50/50. Ông cảnh báo El Nino sẽ trở nên mạnh mẽ hơn do biến đổi khí hậu, sau đó cộng gộp với tác động của chính biến đổi khí hậu để tạo nên những đợt nắng nóng chưa từng có.

Giáo sư James Hansen từ Trường ĐH Columbia (Mỹ) cho biết sẽ rất khó để chu kỳ nguội lạnh La Nina tiếp diễn đến năm thứ 4 và với tình hình hiện tại, một chút El Nino cũng đủ tạo nhiệt độ kỷ lục.

Một hiện tượng được thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu là “sông khí quyển” cũng vừa tàn phá bang California – Mỹ với 9 đợt liên tiếp, nhấn chìm nhiều vùng của tiểu bang trong lũ lụt lịch sử, nhiều vùng cao tuyết phủ dày, khiến tổng cộng 20 người tử nạn cho đến khi chuỗi bão chấm dứt vào sau nửa đêm 16-1 (giờ địa phương). Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến đến các khu vực bị thiệt hại để khảo sát và lên kế hoạch hỗ trợ người dân.


Anh Thư