Theo Live Science, viên đá quý kỳ lạ có nguồn gốc từ một đồng bằng núi lửa Ấn Độ. Nó là một viên mã não tròn tuyệt đẹp màu trắng và hồng nhạt, được bao bọc bởi lớp đá thường xù xì hơn.

Nó được một người đàn ông tên Charles Fraser khai quật ở Ấn Độ trong khoảng năm 1817 đến 1843, đưa về bảo tàng năm 1883 và được xếp vào danh mục mã não.

Một cơ thể non của quái thú khổng lồ đã từng hiện diện trong viên đá quý kỳ lạ ở Anh – Ảnh: Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London

Vào năm 2018, trong một lần kiểm tra, người phụ trách về khoáng sản của bảo tàng – ông Robin Hansen – bắt đầu nghi ngờ viên đá có thể là một quả trứng khủng long.

Cuộc nghiên cứu sau đó dẫn đầu bởi giáo sư Paul Barrett, nhà cổ sinh vật học và khoa học Trái Đất của bảo tàng, đã xác nhận mối hoài nghi của ông Hansen: Nó đúng là tàn tích của một quái thú non 67 triệu tuổi.

Để hình thành theo cách đó, quả trứng phải bị một dòng dung nham bao phủ hoàn toàn một cách bất ngờ. Phôi dần bị phân hủy trong khi các lớp đá núi lửa bảo quản tốt phần vỏ. Qua nhiều thời đại, nước giàu silica thấm vào bên trong vỏ và kết tinh để tạo thành mã não.

Các nhà khao học đã cố gắng tìm hiểu kỹ hơn về sinh vật bằng các kỹ thuật quét, nhưng mật độ dày đặc của mã não đã ngăn cản họ.

Tuy nhiên, xét về hình thái thì quả trứng kính thước lên đến 15 cm này rất phù hợp với trứng của titanosaur, tức “thằn lằn hộ pháp”, loài khủng long lớn nhất thế giới với nhiều mẫu vật từng được khai quật ở Trung Quốc và Argentina.

Nếu có cơ hội nở và trưởng thành, con thằn lằn hộ pháp này có thể nặng tới 70 tấn.

Đây là một phát hiện đặc biệt, củng cố thêm những bằng chứng cho thấy đồng bằng núi lửa này của Ấn Độ từng là một thế giới khủng long đông đúc.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học PLOS One.