Tháng 12-1978, lần đầu tiên tôi biết trên thực địa thế nào là biên giới khi đơn vị tôi đóng quân ở Ngã ba Đông Dương. Hiện khu vực này thuộc cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, nơi có cột mốc số 0, đánh dấu khởi đầu cho tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia dài khoảng 1.137 km, điểm kết thúc ở bờ vịnh Thái Lan, tiếp giáp giữa tỉnh Kiên Giang và tỉnh Kampot, với cột mốc mang số hiệu 314.

Bảo vệ biên cương Tổ quốc từ xa

Tháng 3-1979, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường Đông Bắc Campuchia, Sư đoàn 309 rút quân về nước. Từng đoàn xe quân sự vượt biên giới không chiến tuyến trở về, qua ngã ba biên giới đầy kỷ niệm, để làm một cuộc không vận hàng ngàn cây số đến chiến trường Battambang, giáp biên giới với Thái Lan, cũng với mục đích bảo vệ biên giới Campuchia – Thái Lan, cũng như bảo vệ biên cương Tổ quốc từ xa, trong đội hình của Mặt trận 479.

Đơn vị chúng tôi đóng ở thị trấn Pailin. Nhiều lần hành quân truy quét địch dọc tuyến biên giới phía Tây Pailin – từ Tà Sanh, Xăm Lốt đến Cao Mê Lai – trải dài hơn 60 km, tôi cố tình tìm kiếm những cột mốc biên giới nhưng không thấy. Một lần đi lấy nước từ điểm tựa B1 ở Pailin, tôi tình cờ thấy 1 cột mốc bằng đá mang số hiệu 64 khá đơn sơ. Tình trạng này là do lịch sử để lại bởi Batttambang từng bị Thái Lan chiếm đóng, đến năm 1909 thì thực dân Pháp dưới danh nghĩa bảo hộ đã lấy lại; đến năm 1953 thì thuộc Campuchia.

Sau khi tàn quân Pol Pot trỗi dậy, đường biên giới ngày càng phức tạp. Dưới sự giúp sức của thế lực bên ngoài, 3 phái phản động trỗi dậy (Pol Pot, Srâyka, Moulinaka) lợi dụng đường biên giới dài, lập nhiều căn cứ lõm trên đất Campuchia, lấn sang biên giới Thái Lan.

Mùa khô 1984 – 1985, nước ta và nước bạn quyết tâm làm sạch biên giới, tiến hành chiến dịch K5 – chiến dịch có tính chất phòng thủ quốc gia, xây tuyến phòng thủ dọc biên giới Thái Lan với quy mô rất lớn, chủ yếu do Mặt trận 479 đảm nhận cùng lực lượng quân đội cách mạng của nước bạn.

Thượng tướng Lê Đức Anh, Tư lệnh 719 (thứ 3 từ trái sang), có mặt ở biên giới để chỉ đạo chiến dịch K5

Để chỉ đạo chiến dịch lịch sử này, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam (Bộ Tư lệnh 719) tại Campuchia lúc đó là Thiếu tướng Lê Nam Phong, Thượng tướng Lê Minh Châu (Năm Ngà – Tư lệnh Quân khu 7) và cả Tư lệnh 719 – Thượng tướng Lê Đức Anh đều có mặt. Đây là tuyến phòng thủ nổi tiếng trong lịch sử quân đội ta và bạn nhưng là một khái niệm mới chưa từng có trong lịch sử quân đội ta.

Theo đó, dọc tuyến biên giới từ Cao Mê Lai đến Pailin, hình thành lớp vật cản bằng cây. Các cây chỉ cưa nửa thân rồi cho ngã xuống sao cho cây đổ chồng lên nhau mà vẫn sống, gọi là cò cây. Dưới lớp cây này là bãi mìn và chông sắt. Bên trong lớp cò cây là hàng rào kẽm gai, tiếp đến là đường tuần tra. Các công sự, giao thông hào được thiết kế chắc chắn, phía trước là hào chống xe tăng. Xây dựng các điểm tựa, cụm điểm tựa dày đặc giao thông hào, kết hợp với hệ thống hỏa lực tạo thành lưới lửa cho từng khu vực…

Vấn đề quan trọng nhất là công tác dân vận để người dân nước bạn tham gia chiến dịch. Theo đại tá Nguyễn Văn Hồng, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 309, trên địa bàn do Sư đoàn 309 đảm nhận, khi đó, từ trong nội địa mạng đường sá được tu sửa, làm mới. Từng đoàn xe chở vật liệu, nước, xăng dầu, từng đoàn người tấp nập lên biên giới. Các lán trại dựng dày đặc trên những tuyến đường ra biên giới. Lực lượng dân công còn mang theo cả máy phát điện. Ban đêm đèn điện tỏa sáng, tiếng nói cười của dân quân rộn rã. Cả nước Campuchia như một công trường đang hối hả xây dựng.

Bộ đội Sư đoàn 309 cùng lực lượng vũ trang Campuchia bảo vệ chủ quyền cột mốc biên giới Campuchia – Thái Lan cho nhân dân nước bạn làm tuyến K5 (1985)

Bộ đội Sư đoàn 309 cùng dân quân Campuchia tham gia chiến dịch K5 (Ảnh tư liệu của Sư đoàn 309)

Những trận đánh ác liệt

Theo số liệu của Mặt trận 479, trong 3 năm xây dựng tuyến phòng thủ K5 đã huy động 320.000 lượt người với 33 triệu ngày công, 52.000 dân quân, 4.700 lượt cán bộ. Xây dựng xong tuyến K5 dài 1.064 km, cài 14 triệu mũi chông, 150 triệu m cò cây, đào 50 km hào lũy, 600 km chiến hào, xây dựng 4 cụm điểm tựa, 4 đường hầm, 1.784 km đường tuần tra, 1.431 km đường nhánh từ các căn cứ sư đoàn ra tuyến trước, 32 bãi đậu trực thăng… Đó thực sự là khối lượng công việc khổng lồ.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, chỉ có quân của Mặt trận 479 là chưa đủ, còn có sự phối hợp với Mặt trận 579, 779, 979, 4 sư đoàn bạn. Cả chiến dịch chúng ta đã tổ chức đánh 14 trận cấp sư, 20 trận cấp trung đoàn, 90 trận cấp tiểu đoàn, tiêu diệt hơn 10.000 tên địch, thu nhiều vũ khí, trong đó có 1 máy bay A.37. Trận ác liệt nhất là đánh vào “Văn phòng trung ương ba phái” ở Phnôm Mê Lai tháng 2-1985, với sự tham gia của 2 sư đoàn bộ binh của ta, 2 tiểu đoàn xe tăng và lực lượng pháo binh rất mạnh của mặt trận, có lúc phải sử dụng hỏa tiễn BM13 (Ca-chiu-sa).

Đến hết năm 1987, tuyến K5 xây dựng xong, chúng ta đã làm chủ đường biên giới. Về mặt chủ quyền, tuyến K5 dù không phải thực hiện cắm mốc nhưng chúng ta đã vẽ lại, xây dựng, khẳng định lại tuyến biên giới Campuchia – Thái Lan rõ ràng, để phòng thủ, góp phần đặc biệt trong việc xây dựng thế phòng thủ và củng cố chính quyền nhân dân Campuchia vững mạnh, tạo đà cho cách mạng Campuchia phát triển vượt bậc về chất, để năm 1989 Việt Nam rút toàn bộ quân tình nguyện về nước.

* * *

Những năm gần đây, tôi nhiều lần thăm lại chiến trường xưa, qua các cửa khẩu Mộc Bài, Hoa Lư, Lệ Thanh… Mỗi lần qua biên giới với passport cầm tay đều nhớ những lần mình qua biên giới không passport, với niềm cảm xúc dâng trào; đến Pailin, Comriêng – những thị tứ vùng biên, nay là các cửa khẩu có cột mốc rõ ràng, vững chắc, phồn thịnh, đông đúc người qua lại trong hòa bình.

Hình ảnh đó làm tôi nhớ các đồng đội đã nằm xuống dọc miền biên viễn. Họ đã góp xương máu mình để nhân dân Campuchia có cuộc sống hòa bình như hôm nay. Với các chiến sĩ tham gia chiến dịch K5, họ đã làm nên một chiến công to lớn, bảo vệ đường biên giới cho bạn và tự hào rằng đồng đội tôi đã cắm mốc biên cương, bảo vệ biên cương ở bên ngoài Tổ quốc… 

“Kiến trúc sư” K5

“Kiến trúc sư” của chiến lược K5 là Thượng tướng Lê Đức Anh. “K” là viết tắt của chữ “kar karpier”, nghĩa là “phòng thủ” trong tiếng Khmer và “5” nói đến 5 điểm chính trong kế hoạch này.

Trong lịch sử quân sự, K5 được đánh giá là kế hoạch đặc biệt, được quốc tế rất quan tâm và tất nhiên có những đánh giá khác nhau. Với chúng ta, K5 có hiệu quả rất lớn về công tác tổ chức và chiến lược, giúp quân đội Campuchia tự làm chủ .


LƯU NHI DŨ