Chiều 30-5, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, gửi lời cảm ơn các cơ quan trung ương, bộ ngành liên quan đã hỗ trợ, đóng góp ý kiến tâm huyết cho TP trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại thảo luận tổ ngày 30-5. Ảnh: Minh Phúc

Theo Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi, dự thảo Nghị quyết lần này với hệ thống cơ chế chính sách sẽ tháo gỡ vướng mắc, phát huy tiềm năng sẵn có của TP HCM, từ đó TP phát triển đúng với vị trí, vai trò của mình, đóng góp cho cả nước.

Trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh quốc tế, TP HCM được đặt ở vị trí quan trọng để thực hiện các mục tiêu quan trọng đó, ông Phan Văn Mãi cho rằng không riêng cho TP HCM, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết cũng là việc chung của cả nước trong bối cảnh vừa nêu.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM, có nhiều yếu tố để các cơ chế, chính sách trong dự thảo Nghị quyết được nhiều chuyên gia, đại biểu ủng hộ. Trong đó, nếu tổ chức thực hiện các nhóm cơ chế, chính sách thành công, sẽ mang lại bài học kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật, và một số nội dung về sau sẽ được luật hoá. Việc này cũng là kinh nghiệm mà Hà Nội có thể tham khảo trong quá trình sửa đổi Luật Thủ đô.

Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách sẽ tập trung khơi thông nguồn lực, huy động nguồn lực đầu tư xã hội qua các phương thức đối tác công tư (PPP), BOT, BT hay các cơ chế giúp TP HCM huy động nguồn lực thông qua phát hành trái phiếu, thông qua công ty đầu tư tài chính nhà nước TP HCM (HFIC).

“Nếu làm tốt, tôi tin rằng trong 5 năm nữa, TP HCM sẽ huy động được hàng trăm ngàn tỉ đồng cho đầu tư phát triển” – Chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh.

Cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo cú hích cho TP HCM phát triển. Ảnh: NLĐO

Trong dự thảo Nghị quyết này, cơ chế chính sách phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là nội dung rất quan trọng. Theo ông Phan Văn Mãi đây là một tiềm lực rất to lớn, là động lực mới cho sự phát triển của TP HCM, dù các kết quả có thể chưa đo đếm được một cách toàn diện, đầy đủ.

Nhóm cơ chế, chính sách về phân cấp, phân quyền, tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, nhân sự sẽ tạo điều kiện cho TP HCM, TP Thủ Đức chủ động hơn, giải quyết các vấn đề nhanh gọn hơn, hiệu quả hơn, đặc biệt trong công tác đầu tư.

Về công tác tổ chức thực hiện, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP có kinh nghiệm từ việc triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội trước đó. Đây là cơ sở quan trọng để TP chủ động trong công tác chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện ngay sau khi dự thảo Nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Chia sẻ về sự chủ động của TP HCM, ông Phan Văn Mãi cho biết TP đã tham mưu xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Nghị quyết và phối hợp với các bộ ngành xây dựng các thông tư, hướng dẫn. Theo đó, dự thảo Nghị định là một tài liệu trong hồ sơ trình Quốc hội.

Ngày 19-5, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi đã ban hành kế hoạch phân công chuẩn bị triển khai dự thảo Nghị quyết. Trong đó, có nhóm 11 đầu việc phải hoàn thành trong quý II/2023 và trình Hội đồng nhân dân (HĐND) tại kỳ họp tháng 7-2023, với 3 đầu việc trước mắt là chuẩn bị dự thảo Nghị định Chính phủ, Chuẩn bị chỉ thị của Thành ủy, chuẩn bị kế hoạch toàn diện của UBND TP.

Bên cạnh đó, 8 đầu việc còn lại là cụ thể hóa các cơ chế, chính sách. Sau khi Quốc hội thông qua dự thảo Nghị quyết, ông Phan Văn Mãi cho biết dự kiến cuối tháng 6, Thành ủy sẽ tổ chức hội nghị triển khai.

Theo Chủ tịch UBND TP HCM, dự kiến từ nay đến cuối năm, HĐND TP có 3 kỳ họp, toàn bộ các nội dung về thể chế hóa các cơ chế, chính sách sẽ được TP phấn đấu hoàn thành tại 3 kỳ họp này, để thời gian sau đó tập trung tổ chức thực hiện, đạt kết quả cao nhất.

Trước đó, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo nghị quyết có 7 nhóm cơ chế, chính sách với 44 nội dung cụ thể. Đó là các chính sách đã được quy định tại Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; tại các nghị quyết về cơ chế đặc thù áp dụng cho các địa phương khác; tại các dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến trình Quốc hội thời gian tới… Bên cạnh đó là các chính sách mới lần đầu được quy định với 4 nhóm vấn đề: Đầu tư; tài chính – ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy.


Minh Chiến – Huy Thanh