Theo NASA, tàu vũ trụ DART có kích thước bằng một chiếc xe điện hay dùng trên sân goft đã lao vào tiểu hành tinh Dimorphos lúc 19 giờ 14 phút tối 26-9 theo giờ EDT (giờ miền Đông nước Mỹ, tương đương 23 giờ 14 phút tối 26-9 giờ GMT và 6 giờ 14 phút sáng 27-9 giờ Việt Nam) khi đang bay với tốc độ cực lớn 14.000 dặm/giờ (22.500 km/giờ).

Cận cảnh bề mặt Dimorphos được máy ảnh DRACO của tàu DART ghi lại trong giây cuối cùng trước va chạm – Ảnh: NASA

Bức ảnh nửa giây sau đó cho thấy khoảnh khắc tàu DART “chết” – Ảnh: NASA

Tàu DART chỉ nặng 600 kg, sẽ không đủ để phá hủy hoặc hất tiểu hành tinh Dimorphos đường kính 163 m văng ra xa, mà chỉ làm nó chuyển động nhanh hơn một chút trong quỹ đạo xung quanh tiểu hành tinh mẹ.

Điều này vẫn là thành công vì nếu một tiểu hành tinh có ý định lao vào Trái Đất như Chicxulub – tiểu hành tinh làm khủng long tuyệt chủng 66 triệu năm trước – chỉ cần nó chệch đi một chút khi còn ở ngoài không gian, đã đủ giúp Trái Đất an toàn.

Clip đồ họa mô tả cách tàu DART va chạm và quỹ đạo của tiểu hành tinh “mặt trăng” Dimorphos khi đã được chuyển hướng thành công – CLIP: SPACE/NASA

“Tàu vũ trụ rất nhỏ”, nhà khoa học hành tinh Nancy Chabot, trưởng nhóm điều phối DART tại JHUAPL – cơ quan giám sát sứ mệnh cho NASA, cho biết trước vụ va chạm. “Đôi khi, chúng tôi mô tả nó giống như việc chạy một chiếc xe đánh golf vào đại kim tự tháp”.

Tiểu hành tinh Dimorphos và bạn đồng hành lớn hơn Didymos của nó sẽ được NASA tiếp tục quan sát bằng các kính viễn vọng mặt đất. Tuy nhiên sự chính xác hoàn hảo của cú va chạm không những giúp NASA không phải dùng tới 21 phương án dự phòng mà còn giúp ước tính tác động.

Dimorphos chỉ “văng nhẹ” trong quỹ đạo của chính nó – với vai trò như mặt trăng của Didymos – khiến nó rút ngắn 1% quỹ đạo, tương đương 10 phút.

Clip thực tế ghi nhận bằng máy ảnh DRACO của tàu DART và bầu không khí bùng nổ tại NASA khi thử nghiệm thành công – CLIP: SPACE/NASA

Trưởng nhóm theo dõi về tác động của DART tại JHUAPL Angela Stickle cho biết các mô phỏng và mô hình của nhóm cho thấy miệng hố va chạm mà tàu DART tạo ra có thể có đường kính khoảng 20 m.

Tàu DART trước khi “xuất xưởng” – Ảnh: NASA

Didymos (cái lớn, cận cảnh) và Dimorphos trước khi va chạm, được chụp bởi DRACO của tàu DART – Ảnh: NASA

Dimorphos đóng vai trò một vệ tinh nhỏ trong cặp đôi tiểu hành tinh được phát hiện vào năm 2003. Cặp đôi này ban đầu được gọi là 65803 Didymos với Didymos là tiểu hành tinh chính, Dirmophos lúc đó chỉ được gọi là “Didymoon”, tức “mặt trăng của Didymos”.

Nhóm điều hành Danh mục vật thể nhỏ (WGSBN) của Liên minh Thiên văn Quốc tế đã đặt tên chính thức cho tiểu hành tinh mặt trăng này từ ngày 23-6-2020 là Didymos.

Thử nghiệm “hất văng” Dimorphos có kinh phí khoảng 325 triệu USD, với tên gọi đầy đủ là Double Asteroid Redirection Test – tức “Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh đôi”, viết tắt là DART.

Khoảng 4 năm nữa, dự án Hera của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) sẽ tiến hành các cuộc khảo sát chi tiết về cả Dimorphos và Didymos, đặc biệt tập trung vào miệng hố va chạm tạo ra bởi tàu DART.


Anh Thư