Bạn đọc N.T.A.T (33 tuổi, ngụ TP HCM) hỏi: Con tôi sinh lúc 37 tuần, hiện bé được 9 tháng tuổi. Bé có cần bổ sung sắt không? Nếu có thì bổ sung loại gì, liều lượng và thời điểm uống thế nào là hợp lý?

Dược sĩ CAO PHAN THU HẰNG trả lời: Sắt đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, là chất thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển của não và hệ thống thần kinh của trẻ. Nếu thiếu nhẹ, hay thiếu trong giai đoạn ngắn, trẻ sẽ không có triệu chứng. Nếu thiếu sắt nặng kéo dài thì dấu hiệu là trẻ xanh xao, nhợt nhạt, mệt mỏi, tóc khô, móng tay giòn, sức đề kháng giảm, trẻ dễ bị nhiễm trùng.

Cách bổ sung sắt phổ biến và an toàn để dự phòng thiếu sắt hoặc bổ sung sắt ở trẻ thiếu sắt mức độ nhẹ: những loại thịt đỏ (thịt bò, thịt heo…), hải sản (cá ngừ, cá hồi, tôm, cua, nghêu, sò…), trứng, nội tạng động vật như gan, các loại rau có màu xanh đậm, các loại ngũ cốc hoặc trái cây khô…

Trên thị trường có rất nhiều dược phẩm chứa sắt với thành phần, hàm lượng và dạng bào chế khác nhau, việc bổ sung thuốc sắt cần có chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, chị nên định kỳ đưa trẻ đi khám và theo dõi sức khỏe tại các cơ sở y tế chuyên khoa phù hợp để được tư vấn.

Một số lưu ý khi cho trẻ sử dụng thuốc sắt: Nên dùng chung với vitamin C hoặc những thực phẩm giàu vitamin C để tăng hấp thu sắt. Trường hợp uống sắt khi đói bị đau bụng, nôn mửa… do kích ứng dạ dày có thể sử dụng thuốc trong hoặc sau bữa ăn. Ngoài ra, sữa có thể tương tác làm giảm hấp thu sắt và thuốc có thể làm trẻ đi tiêu phân đen.

Lưu ý các biểu hiện cấp tính của ngộ độc sắt như nôn mửa, đau quặn bụng, tiêu chảy, có máu trong phân… Các triệu chứng trễ hơn gồm môi, móng tay và lòng bàn tay ngả màu xanh, nhợt nhạt, co giật, thở nhanh và nông… Khi đó, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay để được cấp cứu kịp thời.


Hải Yến ghi