Ở châu Âu đang sôi động việc khen chê và tranh luận về phát ngôn mới đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên quan đến mối quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) với Mỹ và Trung Quốc. Theo đó, ông Macron kêu gọi EU độc lập hơn với Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).

Ông Macron sử dụng cả ngôn từ lẫn hình ảnh để thể hiện những ý tưởng mới về định hướng chính sách cho EU. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng EU “không được chạy theo Mỹ” mà phải trở thành “cực thứ ba”; là đồng minh chứ không phải “chư hầu” và không “theo chân Mỹ” trong vấn đề Đài Loan để tránh bị vướng vào “khủng hoảng không phải của mình”.

Ở châu Âu, những ý tưởng này được “quan điểm hóa” thành sự biểu hiện của khái niệm “tự chủ chiến lược” và “chủ quyền chiến lược”. Mỹ có phần ngỡ ngàng nhưng kiềm chế. EU sôi động và bị phân rẽ giữa đồng tình với phản đối.

Ông Macron vốn không hề giấu giếm tham vọng trở thành người có tầm nhìn về viễn cảnh tương lai cho EU; khôi phục vai trò, vị thế và ảnh hưởng chính trị thế giới cho nước Pháp và dẫn dắt EU. Ông từng khiến nội bộ EU và NATO chia rẽ với tuyên bố rằng NATO ở trong tình trạng “chết não”.

Từ đó, có thể thấy với phát biểu mới nói trên, ông Macron hoàn toàn không lỡ lời để chịu vạ miệng mà có chủ ý. Sự ồn ào về đối ngoại giúp Tổng thống Macron giảm bớt được áp lực nội bộ từ làn sóng phản đối của dân chúng về những biện pháp chính sách kinh tế – xã hội mới đây của ông.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại TP Quảng Châu – Trung Quốc hôm 7-4Ảnh: Reuters

Xem ra, Tổng thống Macron nhìn nhận vai trò chính trị thế giới của EU và của nước Pháp không phải ở chỗ nhất nhất hùa theo Mỹ để giành về chiến thắng quân sự trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, mà ở việc chấm dứt cuộc xung đột này.

Để nhanh chóng đạt mục tiêu ấy, EU phải tranh thủ Trung Quốc để nước này không trợ giúp Nga và đóng vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm giải pháp chính trị hòa bình. Trong cùng logic tính toán ấy, nếu muốn tranh thủ Trung Quốc thì EU không nên và không thể làm căng với Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan như Washington.

Chuyện EU “tự chủ chiến lược” và thực thi “chủ quyền chiến lược” trong quan hệ với Mỹ vốn không mới mẻ gì. Tự chủ và chủ quyền được xem là cách tiếp cận đúng đắn và thức thời đối với EU. Bởi lẽ, chỉ như thế thì EU mới có thể hài hòa hóa được giữa thống nhất nội bộ và hợp tác yên ổn với Mỹ.

Thế nhưng, điều xưa nay EU vẫn chưa làm được là liên quan tính từ “chiến lược”. Cụ thể ở đây là tự chủ và giữ chủ quyền đến mức độ nào, vào thời điểm nào và trong tình hình nào, trong vấn đề gì, trên lĩnh vực nào.

Ông Macron đề cập đúng vấn đề của EU nhưng lại không được khéo léo về ngôn từ (dùng lời lẽ to tát và hình ảnh lộ liễu), về thời điểm (ngay sau chuyến công du Trung Quốc từ ngày 5 đến 8-4) và về nội dung (dùng một trong những vấn đề nhạy cảm và phức tạp nhất là Đài Loan).

Sự sôi động hiện tại ở châu Âu liên quan chuyện “tự chủ chiến lược” và “chủ quyền chiến lược” của EU sẽ chỉ là “cơn bão trong tách trà”. Thế nhưng, nó phản ánh rất rõ khoảng cách và rạn nứt giữa Mỹ với EU về Trung Quốc.

Cả Mỹ với EU đều coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh về hệ thống chính trị và đối tác nhưng lại theo thứ tự trái ngược hẳn nhau. Điều đó báo hiệu EU sẽ dần cụ thể hóa hơn nội hàm của tính từ “chiến lược” trong định hướng “tự chủ chiến lược” và “chủ quyền chiến lược”. 


Ngải Sa