Sáng 7-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách. Tham dự hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ…

Bảo đảm tính độc lập của thanh tra

Tại hội nghị, báo cáo các vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết về thanh tra huyện (mục 6 chương II), đa số ý kiến ĐBQH tán thành với dự thảo luật, tiếp tục giữ thanh tra huyện như hiện hành. Đồng thời, đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua.

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan soạn thảo đã rà soát dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) để chỉnh lý, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán làm tăng chi phí, gây phiền hà, bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra như một số trường hợp đã diễn ra.

Đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN NAM

Góp ý kiến cho dự thảo, ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng luật cần xây dựng các biện pháp để bảo đảm vị thế chính trị, tính độc lập gắn với trách nhiệm của người đứng đầu của các cơ quan thanh tra (CQTT); đặc biệt phải bảo đảm thực hiện hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ĐB Lê Hữu Trí, thực tiễn hoạt động thanh tra cho thấy người đứng đầu CQTT vẫn không độc lập hoàn toàn trong việc xác định đối tượng thanh tra, trong kết luận và kiến nghị xử lý. Không ít trường hợp người đứng đầu CQTT và trưởng đoàn thanh tra phải báo cáo xin ý kiến thủ trưởng của cơ quan quản lý nhà nước (CQQLNN) theo yêu cầu của thủ trưởng CQQLNN cùng cấp trước khi người đứng đầu CQTT ký kết luận. Điều đó cũng có nghĩa kết luận thanh tra (KLTT) sẽ không bảo đảm tính khách quan nếu thủ trưởng CQQLNN không cùng quan điểm. Vì vậy, để bảo đảm hoạt động thanh tra chính xác, khách quan, phòng chống tham nhũng tiêu cực hiệu quả, ông Trí đề nghị luật cần quy định rõ các biện pháp tránh sự can thiệp của thủ trưởng CQQLNN, của người đứng đầu CQTT đối với hoạt động của đoàn thanh tra. “Trong trường hợp người đứng đầu CQTT trình kế hoạch thanh tra hoặc KLTT mà thủ trưởng CQQLNN cùng cấp không chấp thuận thì ý kiến không chấp thuận phải thể hiện bằng văn bản và nêu rõ lý do không chấp thuận” – ĐB Trí nói.

Theo ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình), trong luật cần quy định rõ cơ quan có thẩm quyền thành lập CQTT cấp sở. Đồng tình với ý kiến này, ĐB Phạm Đình Thanh (Kon Tum), đề nghị cần có quy định đồng bộ trong việc thành lập CQTT cấp sở trên phạm vi cả nước, tránh tình trạng thực hiện không đồng bộ hoặc thành lập theo nhận thức của từng địa phương theo biên chế mà không phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thực tiễn.

Tránh tác động, thay đổi kết luận thanh tra

Về việc sửa đổi quy định về công khai KLTT tại điều 75, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) cho rằng luật hiện hành quy định sau khi ký KLTT, trong thời hạn 10 ngày phải công khai KLTT, đây cũng là yêu cầu của pháp luật về phòng chống tham nhũng, đòi hỏi phải công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức để phòng ngừa tham nhũng.

Theo ĐB Cường, dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) bỏ quy định về thời hạn công khai nhưng lại sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan như: trước khi công khai kết luận có thể sửa đổi, bổ sung KLTT; nghiêm cấm tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra sau khi KLTT chưa được công khai (luật hiện hành quy định là khi chưa có kết luận chính thức). Việc sửa đổi như trên, theo ông Cường, có thể tạo thuận lợi cho CQTT nhưng không phù hợp với chủ trương công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, chính xác của hoạt động thanh tra. “Về nguyên tắc, khi kết luận được ký thì phải thi hành, tuy nhiên nếu kết luận chưa công khai thì làm sao thi hành mà không vi phạm điều cấm là tiết lộ thông tin liên quan đến cuộc thanh tra khi KLTT chưa được công khai” – ông Cường nói. Ông đề nghị quy định rõ sau khi ký kết luận trong thời hạn nhất định 10 ngày hoặc 15 ngày, nếu cần thiết kéo dài thì phải thông báo công khai. Quy định như vậy sẽ tránh được sự can thiệp, tác động làm thay đổi KLTT sau khi đã được ký.

Trong 2 ngày làm việc, các ĐB cho ý kiến 6 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, gồm: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). 

Cần quản lý tài sản ảo, tiền ảo

Chiều cùng ngày, các ĐB nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) và sau đó thảo luận về nội dung này. Về vấn đề lợi dụng tiền ảo để rửa tiền tài trợ khủng bố, ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho hay nhà nước chưa công nhận tiền ảo nhưng Việt Nam là một trong những thị trường chơi tiền ảo rất lớn. Đây là lĩnh vực có nguy cơ rửa tiền rất lớn với lợi thế dễ dàng trao đổi trên phạm vi toàn cầu bằng giải pháp công nghệ tài chính. Thời gian gần đây, liên tiếp những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo nhưng nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật. ĐB Phước đề nghị bổ sung đối tượng tài sản ảo, tiền ảo vào dự thảo luật để bảo đảm an ninh tài chính trong nước.


Văn Duẩn