Theo báo cáo dịch tễ toàn cầu Báo Người Lao Động nhận được từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào sáng 15-12, tuần qua thế giới ghi nhận thêm hơn 3,326 triệu ca COVID-19 mới và 9.782 ca tử vong.

45% số ca toàn cầu đến từ chỉ 1 trong 6 khu vực của WHO là Tây Thái Bình Dương, cũng là khu vực dịch tễ mà WHO xếp Việt Nam vào. Phần lớn số ca của cả khu vực đến từ 3 nước là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Sau một giai đoạn hạ nhiệt ngắn, Nhật Bản lại tiếp tục đứng đầu cả thế giới với hơn 849.000 ca mới ghi nhận trong tuần, tăng 13% so với tuần trước. Hàn Quốc cũng tăng 13%, với số ca là hơn 420.000. Trung Quốc tăng nhẹ 2% với số ca hơn 149.000.

Bản đồ tỉ lệ ca mắc mới COVID-19 của WHO, màu càng ngả về cam – đỏ tỉ lệ càng cao, càng xanh chứng tỏ tỉ lệ số ca mắc mới trên dân số đã giảm – Ảnh: WHO

Cùng với Trung Quốc, hai nước giáp biên giới còn lại của Việt Nam là Lào và Campuchia cũng ghi nhận mức tăng so với tuần trước, lần lượt là 54% và 49%. Trong khi đó, trên cả bản đồ tỉ lệ ca mắc và tỉ lệ ca tử vong của WHO, Việt Nam đều được tô màu xanh, cho thấy tình hình đã hạ nhiệt rõ rệt với tỉ lệ ca thấp và ít hơn tuần trước.

Khu vực châu Âu đứng thứ nhì thế giới với hơn 962.000 ca mới nhưng đã giảm 11% so với tuần trước.

Trái lại, châu Mỹ tăng mạnh 27% với tổng số ca là hơn 836.000. Châu Mỹ cũng chiếm tới 44% số ca tử vong của thế giới với 4.347 người. Mỹ là điểm nóng nhất với hơn 448.000 ca, tăng vọt 50% và 2.934 ca tử vong. Một làn sóng mới cũng được nhận thấy ở các nước Mỹ Latin như Brazil, Chile.

Ba khu vực dịch tễ còn lại là Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và châu Phi ghi nhận số ca không đáng kể, chỉ vài ngàn đến vài chục ngàn.

WHO tính chuyện kết thúc cả 2 PHEIC

Tại cuộc họp báo toàn cầu tối 14-12 tại Geneva – Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết tại kỳ họp lần tới của Ủy ban khẩn cấp (EC) về Các quy định y tế quốc tế (IHR) COVID-19, dự định tổ chức vào tháng 1-2023, các tiêu chí để tuyên bố kết thúc PHEIC (tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế) sẽ được bàn tới.

Người đứng đầu WHO nói rằng ông “hy vọng một thời điểm nào đó” trong năm 2023, tổ chức này có thể tuyên bố kết thúc tình trạng PHEIC được áp dụng cho COVID-19 gần 3 năm nay, song ông cũng đề cập đến các trở ngại cho một tuyên bố kết thúc đại dịch mà nhiều người trông đợi.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus – Ảnh: WHO

Các trở ngại đó bao gồm lỗ hổng tiêm chủng – chỉ 1/5 người ở các nước thu nhập thấp được tiêm chủng đầy đủ, chưa kể lỗ hổng bên trong từng quốc gia. Một lần nữa, ông nhấn mạnh hàng ngàn ca tử vong hàng tuần đối với căn bệnh đã có vắc-xin và thuốc điều trị là quá nhiều – một phần do tiếp cận thiếu bình đẳng vắc-xin và các phương pháp điều trị – chưa kể gánh nặng hậu COVID-19 vẫn gây lo ngại.

Ngoài ra, tiến sĩ Tedros nhấn mạnh Trung Quốc cần tiến hành các nghiên cứu được yêu cầu để xác định nguồn gốc của COVID-19, vì câu trả lời về nguồn gốc virus là điều quan trọng để kết thúc PHEIC.

Với PHEIC đang lưu hành thứ 2 là đậu mùa khỉ – tên mới là mpox – tiến sĩ Tedros cho biết số ca mới được báo cáo trong tuần đã giảm 90% so với đỉnh điểm và số ca tử vong vẫn thấp, tổng cộng chỉ 65 người kể từ khi bùng phát. Do đó, trong năm 2023 PHEIC này cũng có khả năng được tuyên bố chấm dứt.

Nếu 2 PHEIC COVID-19 và đậu mùa khỉ được tuyên bố chấm dứt, thế giới sẽ chỉ còn 1 PHEIC duy nhất đang lưu hành là bệnh bại liệt. Việc tuyên bố một dịch bệnh là PHEIC hay kết thúc nó của WHO là động thái mang tính pháp lý, sẽ ảnh hưởng lớn đến các chính sách của từng quốc gia cũng như các quy định cách ly kiểm dịch quốc tế, chia sẻ nguồn lực phòng dịch…


Anh Thư