Cuộc đời ông Mai Chí Thọ như có mối lương duyên với ngành công an. Trước khi làm bộ trưởng, ông đã kinh qua nhiệm vụ Trưởng ty Công an ở Cần Thơ, Mỹ Tho, Phó Giám đốc Sở Công an Nam Bộ, Phó ban rồi Trưởng ban địch tình của Xứ ủy Nam Bộ, Giám đốc Công an TP HCM những năm đầu giải phóng…

Lo chạy gạo cho dân

Dấu ấn của ông đối với ngành công an đó là thái độ quyết liệt trong đấu tranh chống biểu hiện chủ quan, nóng vội đối với cán bộ, chiến sĩ trong ngành, ra sức minh oan và sửa sai khi vấp phải lỗi lầm. Phong cách của ông là sâu sát, lắng nghe, sẵn sàng đối thoại với dân khi có bức xúc và không ngại giao tiếp với mọi đối tượng.

Đến khi làm Chủ tịch UBND hay Bí thư Thành ủy TP HCM, dấu ấn và phong cách trên vẫn luôn rõ nét. Ông luôn là một nhà lãnh đạo toàn diện, không chỉ lo kinh tế mà quan tâm các vấn đề văn hóa, xã hội, lo cho người nghèo, luôn thương yêu lớp trẻ, cán bộ trẻ. Làm Chủ tịch UBND TP HCM trong những năm đầu giải phóng, ông được mệnh danh là “Chủ tịch gạo” vì lo chạy gạo cho dân (bởi có lúc gạo dự trữ cho mấy triệu người thành phố chỉ còn độ một tuần). Ông phải tổ chức giao ban liên tục để chỉ đạo và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, xử lý các vấn đề kiều hối, mua trước, trả sau…

Ông Mai Chí Thọ – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM – làm việc với cán bộ, hội viên nông dân tại vườn rau Tân Thắng, quận Tân Bình. Ảnh: TƯ LIỆU

Ông cho rằng ngày nào đối với mình cũng là ngày bận rộn và giải quyết các tình huống không giống bất cứ những ông thị trưởng nào trên thế giới. Mặc dù bận rộn nhưng ông luôn dành thời gian làm việc với cơ sở, đi thực tế, quan sát, gặp gỡ, lắng nghe. Bận đến mấy, ông vẫn có những cuộc tiếp xúc cá nhân với giới trí thức, văn nghệ sĩ, tư sản, chức sắc tôn giáo, nói chuyện với người lính, người dân, tù nhân, cả những người đối lập quan điểm chính trị…, không để cho bộ máy với nếp vận hành quan liêu nó nhấn chìm mình.

Bên cạnh đó, ông Mai Chí Thọ đặc biệt quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, những bệnh nhân nghèo. Những năm cuối đời, sau khi về hưu từ năm 1991, ông dành thời gian chăm lo cho người nghèo, cố vấn cho hoạt động xóa đói giảm nghèo. Riêng việc này, ông được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất.

Luôn “đỡ đầu” cho mô hình mới

Ông cho rằng con người mình hợp với tính cách người Nam Bộ, bộc trực, thẳng thắn. Nhìn dáng vẻ bề ngoài oai phong, dễ ngán nhưng từ trong sâu thẳm ông là con người có tấm lòng nhân hậu và có nụ cười hiền. Khi làm lãnh đạo TP HCM, hễ Đoàn Thanh niên cần gì, gặp trực tiếp ông, ông sẵn sàng lắng nghe và nếu thấy phù hợp là giải quyết ngay. Có một thời gian ngôi nhà ông ở trước đây được dùng làm nơi huấn luyện cán bộ phụ trách Đội. Thỉnh thoảng, các lớp cán bộ Đoàn cũng đến nhà ông để ăn những món ăn dân dã và chè trôi nước. Những món ăn này do thím Năm và các anh chị em trong nhà nấu nên mọi người cảm thấy rất ấm áp, rất chân tình.

Ông là người ủng hộ cái mới, đỡ đầu cho những mô hình mới, thuyết phục trung ương có cơ chế, đường lối đổi mới. Trên tất cả là vì dân, vì lý tưởng cao đẹp mà ông suốt đời phấn đấu. Cho đến lúc cuối đời, ông đã ghi lại những mẩu chuyện đời tôi – chuyện đời của một con người có hành trình qua các địa ngục trần gian, qua hai cuộc kháng chiến hào hùng, qua những năm đầu của thời kỳ đổi mới. Và trong niềm sâu thẳm của trái tim, ông muốn nói lên rằng, đồng bào, đồng chí ơi, tạ ơn người mãi mãi…

Ông Mai Chí Thọ đã đi xa 15 năm nhưng con người như ông, một nhà lãnh đạo luôn gần dân, lo cho dân luôn nhận được sự tin yêu, trân trọng của nhân dân. 

Người mở đường cho chương trình xóa đói giảm nghèo

“Trong ký ức của những đồng chí, đồng đội, hình ảnh ông Mai Chí Thọ luôn luôn gần gũi, hết lòng vì dân” – ông Huỳnh Văn Cang (Tư Cang), nguyên Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM, kể về người lãnh đạo của mình.

Năm 1983, khi đang làm Chủ tịch UBND quận 11, ông Tư Cang được điều lên làm Giám đốc Sở LĐ-TB-XH. Khi đó, ông Mai Chí Thọ là Chủ tịch UBND TP HCM. “Chính anh Năm Xuân là người xin Thành ủy TP HCM để đưa tôi về làm Giám đốc Sở LĐ-TB-XH khi giám đốc đương nhiệm chuyển công tác” – ông Cang kể.

Gần gũi, làm việc cùng ông Mai Chí Thọ, ông Cang vô cùng ấn tượng trước một vị lãnh đạo đứng đầu chính quyền thành phố nhưng rất giản dị, bình dân, người giỏi đi vào quần chúng, có tấm lòng thật sự yêu thương những người yếu thế. Ông không chỉ lo những việc quốc gia đại sự mà cả các vấn đề thiết thực và cụ thể của xã hội, của nhân dân. Khi thôi giữ các cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ông Mai Chí Thọ trở lại TP HCM, vẫn tích cực tham gia cuộc vận động “xóa đói giảm nghèo”, “đền ơn đáp nghĩa”, “khuyến học” và các hoạt động xã hội từ thiện. Ông Cang kể dù sức khỏe yếu, ông Mai Chí Thọ vẫn lặn lội xuống cơ sở, đi hỏi thăm người nghèo, người yếu thế. Bởi ông hiểu xóa đói giảm nghèo là đòi hỏi cấp bách của thực tiễn, là một chủ trương đầy thuyết phục của Đảng, Nhà nước, hoàn toàn phù hợp với truyền thống nhân ái của nhân dân ta.

“Anh Năm Xuân nói muốn xóa đói giảm nghèo phải có tiền. Chính vì thế, anh Năm Xuân ra sức vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức để có kinh phí hỗ trợ cho người dân thoát nghèo” – ông Tư Cang nhớ lại và cho biết ông Mai Chí Thọ là người mở đường, là người cha tinh thần của chương trình xóa đói giảm nghèo của TP HCM.

Phan Anh

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-7


Phạm Phương Thảo (nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM)