Sáng 24-8, Thường trực HĐND TP HCM tổ chức phiên họp giải trình về kết quả thực hiện pháp luật đầu tư công trên địa bàn thành phố.

Bố trí vốn đúng nguyên tắc, định hướng

Báo cáo tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết từ khi Luật Đầu tư công 2014 có hiệu lực, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho 1.949 dự án với tổng vốn đầu tư ngân sách Thành phố là 302.839,6 tỉ đồng gồm 869 dự án nhóm C, 1.074 dự án nhóm B và 06 dự án nhóm A.

Trong đó, giai đoạn 2016-2020: Số dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 là 521 dự án với tổng số vốn 24.742 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 16,5% tổng số vốn trung hạn, trong đó 324 dự án hoàn thành; số dự án khởi công mới là 1.278 dự án với tổng số vốn 57.400 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 38,3% tổng số vốn trung hạn, trong đó 456 dự án hoàn thành.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi báo cáo giải trình tại phiên họp

Giai đoạn 2021-2025: Số dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 là 1.191 dự án (không bao gồm các dự án thực hiện theo hình thức PPP và ODA) với số vốn 67.853 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng 48% tổng số vốn trung hạn, đến nay 298 dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố và quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, UBND TP đã trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư 13 dự án nhóm A.

Chủ tịch UBND TP HCM nhìn nhận thành phố bố trí kế hoạch theo đúng Luật Đầu tư công và các Nghị định, hướng dẫn có liên quan; phù hợp đúng nguyên tắc, định hướng đã được HĐND thành phố thông qua.

“Các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố đều đảm bảo về mặt chủ trương đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng và có đầy đủ các thủ tục theo quy định” – Chủ tịch UBND TP HCM cho biết.

Theo ông, nguồn vốn ngân sách tuy chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng đã phát huy nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển các lĩnh vực.

Nhiều hạng mục công trình giao thông trọng điểm được thành phố tập trung triển khai như: Cảng Cát Lái, nút giao thông Mỹ Thủy, nút giao thông An Sương, nút giao thông Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm…

Lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa: giai đoạn đầu tư công 2016-2020 đã đưa vào sử dụng với tổng số giường bệnh xây mới là 878 giường, 7.478 phòng học xây mới; 71 dự án công trình văn hóa thể thao được bố trí vốn triển khai.

Lĩnh vực chống ngập, đối với tuyến đường trục chính, đã giải quyết được 25/36 tuyến, đạt 69,44% so với chỉ tiêu giai đoạn 2016-2020. Đối với các tuyến đường, hẻm do quận, huyện phụ trách đã hoàn thành 179/179 tuyến. Ngoài ra, đã hoàn thành thêm 1.164 tuyến hẻm kết hợp chỉnh trang, kết nối đồng bộ với hệ thống thoát nước các đường chính.

Tập trung hoàn thành dự án chuyển tiếp 

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP HCM cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác quản lý nhà nước về đầu tư công còn bộc lộ một số hạn chế.

Còn một số chủ đầu tư chậm báo cáo, chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư định kỳ; tổ chức thực hiện công tác lập dự án còn chậm so với thời gian quy định.

Về tiến độ thực hiện và tình hình giải ngân dự án, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn chậm, thiếu sự phối hợp của các bên có liên quan.

Một số chủ đầu tư quản lý nhiều dự án nhưng thiếu nhân sự, chưa cập nhật kịp thời các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, do đó công tác quản lý điều hành dự án còn tồn tại hạn chế.

Năng lực và công tác quản lý điều hành dự án của chủ đầu tư: vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư thiếu chủ động trong việc theo dõi, kiểm tra; chưa chủ động xử lý các vi phạm của nhà thầu theo hợp đồng ký kết dẫn đến dự án chậm tiến độ, làm phát sinh khối lượng, hạng mục…

Phiên giải trình sáng 24-8

Nói về công tác bố trí vốn, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách cân đối chi cho kế hoạch đầu tư công trung hạn là 171.895 tỉ đồng, đáp ứng được 52% nhu cầu đầu tư của thành phố.

Trong giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao là 142.557 tỉ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 21% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2021-2025 của thành phố (tổng nhu cầu khoảng 672.000 tỉ đồng).

Trong bối cảnh đó, phương án phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố được UBND TP xây dựng theo định hướng tập trung đầu tư, hoàn thành các dự án chuyển tiếp để nhằm nâng cao hiệu quả, chống lãng phí nguồn vốn đầu tư công đã bố trí cho các dự án trong giai đoạn 2016-2020.

Trước đó, phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết thông qua hoạt động giải trình để các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng; UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức, các đơn vị chủ đầu tư dự án thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc thực hiện pháp luật về đầu tư công trên địa bàn.

Đồng thời, tìm ra các giải pháp, cơ chế nhằm nâng cao hiệu quả công tác đầu tư công, phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn Thành phố trong thời gian tới.

Theo Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách , HĐND TP HCM Lê Trương Hải Hiếu, để chuẩn bị cho phiên giải trình, Ban Kinh tế – Ngân sách đã tổ chức 16 cuộc khảo sát tại 21 đơn vị và 5 dự án.


Bài và ảnh: PHAN ANH