Tôi là một nhà văn không mấy tiếng tăm, ngôn ngữ định lượng, người ta kêu là “nhà văn nhỏ”, mặc dù tuổi cũng bộn rồi. Viết văn, với tôi là một công việc nghiêm túc, nhưng chẳng bao giờ là một nghề đàng hoàng, đơn giản vì nó không đủ sống.

Để đủ trang trải, tôi phải làm thêm nhiều nghề, trong đó có công việc bán hàng online. Thâm niên shipper của tôi có lẽ chỉ sau nghề văn một chút mà thôi. Khi làm công việc bán hàng trên mạng và trực tiếp giao hàng cho khách, tôi nhận ra một điều, nghề nào cũng cần sự nổi tiếng. Nhà văn cần danh tiếng, shipper cũng cần tiếng tăm, mỗi người đều có một cộng đồng khách hàng của mình. Nổi tiếng ra bên ngoài và nổi tiếng ở bên trong. Một ca sĩ nổi tiếng được cả thế giới biết. Nhưng một thợ xăm hình cũng nổi tiếng trong thế giới ngầm của anh ta. Thế giới này luôn tồn tại những vỉa ngầm.

Dì Cát là khách hàng VIP của tôi. Đặc biệt ở chỗ, dì vừa là khách văn vừa là mối ruột hàng online. Chuyện là, mấy năm trước tôi tham gia vào một nhóm chấp bút tự truyện cho dì Cát. Lúc này bà đang là sếp lớn một công ty may mặc xuất khẩu nổi tiếng. Dì Cát cũng tài trợ và hướng dẫn cho một số dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ, đặc biệt ưu ái cho người miền Trung, quê hương gốc gác của dì.

Tôi là người cuối cùng tham gia vào dự án chấp bút tự truyện. Thực ra thì dự án này đã xong rồi. Một dự án cũng tương đối lớn, chi bộn tiền và như thường lệ, tôi ít khi được chen chân vô những mối ngon như thế. Nhưng tôi bất ngờ được mời vào dự án, chỉ với một lý do duy nhất: Tôi là người miền Trung. Thì ra, bản thảo đã chỉn chu nhưng khi nhờ thư ký đọc lại cho nghe vài đoạn quan trọng thì dì Cát không ưng, vì cái ngôn ngữ miền Trung của dì đã bị phiên ra miền ngoài gần như toàn bộ. Dì thấy lợn cợn nên cứ bỏ đó chưa duyệt. Lúc này trưởng nhóm dự án chấp bút mới liên hệ mời tôi với tư cách hiệu đính ngôn ngữ. Dĩ nhiên là tôi vui vẻ nhận lời, chỉ với một điều kiện: nhận tiền đầy đủ ngay sau khi bản thảo được duyệt và không nhắc tên tôi trong bất cứ chỗ nào.

Công việc này với tôi chả khó khăn gì. Nhưng để làm ra vẻ “đáng đồng tiền bát gạo”, tôi yêu cầu được gặp trực tiếp dì Cát sáu lần, mỗi lần một giờ đồng hồ. Dì Cát luôn bận rộn. Bà cũng chẳng mấy hứng thú gặp một nhà văn tép riu như tôi, nhưng vì cuốn tự truyện, bà chấp nhận dàn xếp các cuộc hẹn.

Cuộc gặp đầu tiên diễn ra ngay tại công ty của dì Cát. Văn phòng đặt trong một tòa nhà trên đường Lê Duẩn ngó chéo qua Đại sứ quán Mỹ. Đó là một buổi chiều đầu hè, nắng hực và gió tung lên cùng lúc với tiếng chuông ngân nhà thờ Đức Bà. Tôi như trôi theo tiếng chuông giữa đường phố ồn ã đặc vị xứ nhiệt đới. Nếu như không đi Grab, chắc tôi đã trôi tuốt khỏi điểm đến, đánh mất cả cuộc hẹn.

Tôi đi xe ôm tới vì ngại phải chạy xe xuống những tầng hầm hun hút. Ban đầu tôi định cầm theo một cuốn sách để tặng bà, thay cho màn chào hỏi. Nhưng sau tôi lại cầm theo một bịch tỏi Lý Sơn với hũ cá bống sông Trà.

Dì Cát có vóc dáng cao to như đàn ông. Gương mặt nhiều đường nét thô mộc, trang điểm nhẹ. Tóc cắt ngắn nhưng dày. Lướt qua cũng có thể đoán tạng người khỏe mạnh bẩm sinh. Cuộc chuyện trò bị ngắt quãng bởi những cuộc gọi và nhân viên ra vô xin chữ ký. Tôi thoáng nghĩ, một phụ nữ đã ngoài bảy mươi mà bận rộn cỡ này thì sợ quá. Nhưng tôi cũng biết, doanh nhân đều là những người phi thường, nhất là ở khoản sức khỏe và đầu óc.

“Em à, việc có tới mức như vậy đâu? Cứ bình tĩnh”.

“Chị không biết đâu, nhắc lần cuối, đừng có gọi cho chị nữa, câu trả lời chính là kết quả cuối cùng, em à”.

“Em à, uống trà đi, chờ chị chút nha”.

Không khó lắm, tôi tóm được phong ngữ của dì Cát. Đó không phải là ngôn ngữ đặc sệt vùng miền mà pha trộn theo chiều hướng xê dịch từ Trung vô Nam. Người quê tôi, ít ai dùng từ đệm “Em à” như dì, nghe lịch sự, tình cảm, nhưng khi cất nghiêm lên thì đừng có giỡn mặt: “Làm gì có chuyện đó được, nghe khó lọt lỗ tai quá, em à”.

* * *

Sinh ra trong một gia đình nghèo, đông anh em, mẹ mất sớm, cha điên. Dì Cát từng là học sinh giỏi suốt mười hai năm liền. Nhưng không thi đại học. Tiền đâu mà học đại học. Ngày đó dì vô Sài Gòn làm công nhân may, kiếm tiền gửi về phụ ngoại nuôi các em. Từ công nhân may, dì học thêm nghề kế toán, rồi mở một xưởng may gia công nhỏ. Từ xưởng may gia công đi lên thành công ty may mặc và xuất khẩu thời trang, rồi từ thời trang mở sang nhập khẩu mỹ phẩm. Đại khái vậy. Bà là một tấm gương nghị lực, một doanh nhân thành đạt. Nhưng cuộc sống đời thường thì không như ý. Dì Cát lấy chồng muộn, cả hai người đều mắc chứng vô sinh. Họ không có con nuôi, nhưng nhận bảo trợ cho mấy trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi.

Tự truyện của dì không nói nhiều về hiện tại mà chủ yếu hoài niệm ấu thơ. Cha điên. Mẹ đi làm thuê cho một nhà máy gạo trong xã. Hôm đó thật xui xẻo, dây curoa máy gạo bị đứt quật thẳng vào người mẹ khi bà tình cờ đi qua. Bà nằm viện một tháng, về nhà nằm liệt giường liệt chiếu 3 tháng thì qua đời. Đó là cuối hè năm dì học lớp 9. Người cha điên càng điên loạn, ông thường cởi quần áo, tồng ngồng rông ngoài đường, có khi phóng thẳng vô trường học. Những lúc đó, bọn học trò ồ ré, chọc ghẹo, khiến dì vừa dị vừa uất ức, chỉ muốn độn thổ, muốn bỏ học cho rồi.

“Nhà tôi gần trường học, nên cha cứ chạy vô trường, mà lần nào vô cũng trần như nhộng, thiệt kinh dị, em à” – dì Cát kể, giọng buồn mà miệng thì cười. Dì lại nói: “Hồi xưa cứ mỗi lần nghĩ tới chuyện đó tôi tức điên máu, nhưng giờ già rồi nghĩ lại, thấy thương cha vô cùng. Có lẽ chỉ bằng cách đó, cha đã làm cho mọi người nhớ là ông có một đứa con gái đang học ở ngôi trường này. Mà, hình ảnh đó cũng xi-nê-ma ghê chứ hả em?”.

Dì Cát cười hà hà. Dì có giọng cười sảng khoái. Dì thích xưng tôi và kêu em với người nhỏ tuổi hơn mình.

* * *

“Em có tin vào số phận không?”

Giữa những cuộc trò chuyện không đầu không đũa, có lần dì Cát hỏi tôi câu đó. Hỏi cho có hỏi. Buông một câu hỏi không phải để chờ nhận một đáp án. Hỏi cũng đã là trả lời. Với câu hỏi đó, tôi chỉ khẽ mỉm cười. Tôi cũng tự đặt câu hỏi này cho chính mình. Không biết bao nhiêu lần. Nhưng rồi tôi tự xóa nó đi. Tôi chỉ nghĩ, mỗi người mà chúng ta gặp trên cõi đời này đều là duyên. Sao không gặp ai khác mà lại gặp ngay người này? Giữa cõi người ta hỗn độn, mênh mông.

Đáng lẽ, tôi cũng không gặp lại dì Cát nữa nếu như dịch COVID-19 không ập xuống và quét qua thành đại dịch toàn cầu.

Khi đại dịch ập xuống thì chồng của dì Cát là người ra đi trong đợt đầu tiên. Lúc này tình cờ dì Cát bị mắc kẹt trong một nông trại ở Xuyên Mộc. Ở nhà chỉ có ông và hai người cháu gái, cũng là nhân viên kinh doanh trong công ty của dì. Họ sống trong căn biệt thự lớn, cách biệt với xung quanh, nhưng không hiểu sao ông vẫn bị lây nhiễm, chỉ sau một đêm sốt cao, không thở được thì qua đời. Đây cũng là lúc những người giàu lùng mua máy thở đặt sẵn trong nhà. Chính quyền địa phương cùng với bên quân đội đưa ông đi hỏa táng, xong đưa hai cô cháu gái đi cách ly tập trung luôn.

Dì Cát không thể về nhà tiễn đưa chồng. Phong tỏa khắp nơi. Ai ở đâu ở yên đó. Giữa tình hình căng thẳng đó, tôi may mắn được tham gia vào một nhóm thiện nguyện, được cấp giấy phép lưu thông. Do tôi từng làm shipper lâu năm nên kinh nghiệm đường sá là cần thiết. Hằng ngày, chúng tôi chạy những chiếc bán tải đến những điểm tập kết hàng hóa, thực phẩm rồi vận chuyển tới các bệnh viện dã chiến hoặc các khu dân cư đang bị phong tỏa.

Một hôm, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của dì Cát. Thì ra dì thấy tôi thường chia sẻ hình ảnh thiện nguyện trên Zalo nên gọi để nhờ mấy việc. Trước hết, dì nói đã tài trợ mấy trăm cái hòm được làm bằng giấy cứng cho chùa Ngọc Tháp để giúp người nghèo mất vì dịch bệnh mà không có áo quan đưa đi hỏa táng. “Nếu ai cần, em cứ tới chùa nói tên tôi là được. Tôi cũng đã nói với bên nhà chùa rồi, em à”. Dì Cát nói. Việc tiếp theo dì nhờ tôi là mang thực phẩm tới tiếp tế cho mấy trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi.

Tôi chỉ làm việc thứ hai, còn việc thứ nhứt thì không. Tôi thà tới những tâm điểm vùng dịch, còn hơn là nhìn vào những cái hòm. Tôi chuyển thông tin này cho một nhóm thiện nguyện khác.

* * *

Tôi đã dông dài câu chuyện dì Cát, nhưng thú thực đây vẫn chưa phải là điều tôi muốn kể.

Khi đại dịch hoành hành, từ nông trại ở Xuyên Mộc, dì Cát thỉnh thoảng gửi lên cho chúng tôi một xe rau củ quả. Nông trại trồng rất nhiều chanh và sả. Tôi ghiền món chanh muối nên lấy một ít dầm trong hũ để dành làm món đá chanh. Tôi cũng là người yêu thích thiên nhiên, nên bụng cứ thầm nghĩ khi nào hết dịch sẽ xin dì Cát về dưới đó chơi mấy ngày cho khuây khỏa.

Thế nhưng, khi ngớt dịch rồi thì không thấy dì Cát đâu. Mọi kết nối đều vô tăm tích. Tôi đã nghĩ tới một cái kết tồi tệ nhất. Quay lại thử liên lạc với trưởng nhóm chấp bút mấy năm trước thì được biết anh ta đang điều trị hậu COVID-19, cứ nhớ nhớ quên quên như người từ cõi nào lạc tới.

Tôi trở lại công việc của mình, ghi chép những cảnh đời hẩm hiu vào một cuốn sổ tay, chỉ đơn thuần thao tác tư liệu. Mỗi khi ra phố, lúc dừng xe chỗ ngã tư, tôi thường nhìn vào những cột điện, cột đèn. Trên đó lúc nào cũng dán chằng chịt những tờ giấy ghi thông tin tìm người mất tích. Tôi muốn bắt đầu từ một tờ rơi, triển khai một cuốn sách không hư cấu. Nhưng rồi tôi cứ lần khân và bị cuốn đi bởi bao việc khác.

Lúc này tôi làm một việc mà trước giờ chưa từng làm, đó là “ship” dừa dứa. Thông tin nước dừa hỗ trợ điều trị COVID-19 tốt khiến mặt hàng này trở nên bán chạy. Chúng tôi có một mối dừa dứa khá chất lượng ở Phước Hải. Mỗi ngày xe dừa từ Phước Hải chạy lên Bến xe Miền Đông. Chúng tôi ra đó lấy dừa chở giao cho khách.

Một hôm, tôi đang đi giao dừa thì nhận được điện thoại từ một cô gái kêu là trợ lý của dì Cát. Bà muốn gặp tôi trực tiếp để nhờ một việc quan trọng.

Dì Cát không dính COVID-19 nhưng bị trầm cảm nặng. Ngớt dịch, dì từ Xuyên Mộc về lại thành phố, nhưng không ở biệt thự cũ mà qua khu nhà liền kề bên sông. Ở đó cũng có vài người là nhân viên và con cháu dì.

“Tôi bỏ hết rồi, em à. Giờ tôi muốn đi học nấu ăn. Tôi nhớ có lần em kể về món thịt kho hột vịt ngày Tết quê mình. Em dạy tôi nấu món đó đi”. Dì Cát mở đầu câu chuyện sau một năm trời gặp lại.

Thì ra dì Cát không biết nấu ăn. Dì Cát giỏi cáng đáng việc đồng áng, chăm lo heo gà nhưng việc nấu ăn thì do ngoại lo liệu. Dì chỉ biết nấu vài món đơn giản, nhưng chưa từng nấu một món ngon, chưa từng bày một mâm tiệc. Nhưng sao dì lại nhờ tôi chỉ cho cách nấu món thịt kho tàu? Tôi đâu phải là chuyên gia nấu ăn? Chắc tôi giỏi “nấu câu chữ” hơn là nấu một món thật.

Nhưng dì Cát bảo, dì ngại khi gặp một người xa lạ, hãy cho dì bắt đầu học từ món này, rồi dì sẽ theo học thầy chuyên nghiệp đàng hoàng. Nghe thế, tôi đành làm thầy bất đắc dĩ.

Tôi chẳng có bí quyết gì. Tôi chỉ nhớ nồi thịt kho hột vịt ngày xưa má nấu. Thịt ba chỉ ướp hành, tiêu, ớt, tỏi. Và, dĩ nhiên phải có nước mắm nhà làm. Ướp trộn đều rồi mang ra sân phơi nắng một chặp cho thiệt thấm tháp. Hột vịt ngon nhứt là vịt đẻ rớt ngoài đồng, trẻ chăn trâu mót về. Luộc trứng đừng chín quá, vừa qua cái ngưỡng hồng đào chút xíu, trứng không bể lại béo bùi. Thắng nước đường bằng dầu phộng và đường vàng. Nhớ canh nhỏ lửa, đũa khuấy nhanh đều, không thì đường đen khét. Nước đường vừa sậm vàng thì bỏ thịt đã ướp vô tao cho săn đều. Lại đổ nước dừa vô. Có dừa dứa thơm thì càng tuyệt. Lại bỏ hột vịt vô. Đậy nắp. Canh lửa liu riu. Là xong.

Nồi thịt kho tàu ngon là bởi thịt heo ngon, hột vịt ngon, gia vị nguyên bản. Nhưng nhớ, khi múc ra ăn thì nên rắc thêm chút tiêu sọ cho thơm cay. Nếu coi mỗi đầu bếp là một phù thủy thì lọ tiêu chính là cây đũa thần. Không có tiêu, mọi món ăn đều có nguy cơ thất bại.

Tôi bảo dì Cát, nếu muốn ăn cơm cháy thì nên sắm thêm cái nồi gang, tôi cũng có bán. Dì cười: “Như thế thì nhà văn bán hàng đa cấp rồi còn gì”.

Dì Cát khen món thịt kho tàu tôi nấu, dì có vẻ cảm động: “Hồi còn sống, ông nhà tôi thích món này lắm, nhưng tôi thì chẳng biết nấu, mà cũng chẳng có thời gian, lâu lâu lại nhờ mấy đứa cháu nấu giùm. Nấu ăn, không phải cứ biết công thức, cứ coi hướng dẫn trên YouTube là nấu ngon được, nhưng lần này tôi sẽ cố học, em à”.

* * *

Tôi cứ nghĩ dì Cát học nấu ăn cho khuây khỏa, nhưng không, dì muốn trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp. Dì chuyển giao công ty dần dần cho mấy người cháu, rồi đi học nấu ăn ở khắp nơi. Nghe thầy nào giỏi món gì là đóng tiền học một khóa chuyên sâu về món đó. Học làm bánh mì, bánh ngọt, bánh kem. Lại học nấu mì Quảng, cao lầu. Học cách tỉa củ quả. Học pha nước chấm. Học món Việt rồi món Nhật, món Tây. Học nấu cả cơm nị Ấn Độ.

Thỉnh thoảng, dì Cát kêu tôi tới để “ăn thử món dì nấu”. Chúng tôi ngồi ở cái bàn kê ngoài vườn sát mé sông gió thổi lồng lộng vừa ăn vừa uống rượu chát. Tôi dễ ăn nên thấy món nào cũng ngon. Thực phẩm toàn hảo hạng thì không ngon sao được. Nhà nghèo bày ra một món ngon mới khó. Như món bánh bột nhứt, món bánh hẹ ngày xưa. Đôi khi tôi chỉ thèm một món đơn giản, như bánh tráng nướng nhúng nước cuốn rau muống sống chấm mắm cái dằm ớt thiệt nhiều. Vừa ăn vừa chảy nước mắt.

“Ngày xưa, nhà tôi ăn mắm cái quanh năm, em à” – dì Cát hồi nhớ. Lúc ấy nhìn dì, tôi thấy một người phụ nữ rất khác lúc tôi gặp lần đầu. Vẫn gương mặt hơi thô và vóc dáng cao to ấy nhưng không có vẻ gì là doanh nhân cả. Lúc này, ở dì Cát, chỉ đơn giản là một người đàn bà tự tại trong không gian sống của mình. Mọi dấu vết của địa vị giàu sang như bị xóa nhòa.

* * *

Chùa Ngọc Tháp mở tiệc buffet chay miễn phí định kỳ vào chủ nhật hằng tuần. Khách nào tới nhà chùa cũng hoan hỷ, chỉ với điều kiện duy nhất: “Im lặng, mỉm cười”. Cười thì khó, nhứt là khi bụng sôi. Nhưng im lặng chắc cố gắng được.

Tiếng thơm đồn xa. Nhiều người khen buffet chay chùa Ngọc Tháp ngon và lành không thua kém bất kỳ nhà hàng chay nổi tiếng nào. Mà chẳng tốn tiền. Một người trong nhóm thiện nguyện của chúng tôi đã đến dùng thử và không tiếc lời khen ngợi. Nhưng tôi ngại tới những chỗ đông người. Biết thì biết vậy thôi chứ kêu tới dự thì ngại hung.

Nhưng rồi một bữa, chính dì Cát gọi mời tôi đến chùa Ngọc Tháp dùng buffet chay. Đáng lẽ tôi từ chối khéo, nhưng dì nói mang cho dì một chục cái nồi gang cỡ bự để dì nấu cơm cháy, nên tôi phải đi vì là chuyện làm ăn.

Đến rồi mới biết, thì ra tiệc buffet chay chùa Ngọc Tháp là do dì Cát đứng ra tài trợ kiêm đầu bếp chính. Thì ra sau khi học nấu hết các món ăn, dì Cát chuyển sang học nấu món chay. Và, từ khi nấu món chay, dì Cát thấy mình như con cá được thả bơi về dòng sông mát trong. Trước đây, dì chưa bao giờ tự tin mình sẽ nấu ăn ngon. Dì đã bỏ rất nhiều tiền đi học nấu ăn từ những đầu bếp danh tiếng vì tự ái. Nhưng khi qua nấu món chay thì dì biết mình sẽ là một đầu bếp thực thụ.

Dì Cát không xuất hiện ở gian phòng ăn rộng lớn và sang trọng. Tôi gặp dì ở trong gian bếp. Dì đứng đó giữa nồi niêu, xoong chảo và mùi thơm của thức ăn. Và, lần đầu tiên tôi thấy gương mặt nhiều nét thô của dì trông thật mềm mại, hiền hòa.

“Em biết không, ba tôi từng là một người thông minh giỏi chữ, nhưng không hiểu sao khi vừa thi đậu đại học thì ông bị điên. Người ta nói là do gien di truyền. Mẹ lấy ba vì thương anh học trò nghèo hiền lành khờ dại. Ba điên, nhưng khi sinh đứa con gái đầu lòng còn biết đặt tên con là Cát. Cát không phải là hạt cát. Cát là Cát Tường, điềm tốt lành đó, em à”.

Tôi nhớ lại điều dì Cát nói. Ở chùa Ngọc Tháp, tôi thấy có treo bức hoành ghi mấy chữ: “Vô sư trí vi tôn”. Tôi thích câu này. Trí vô sư thì được tôn quý. Tự học, tự giác ngộ là điều hay nhứt. Tôi nghĩ câu này thật đúng với dì Cát – một người chưa từng một ngày học đại học mà thành công. Nhưng cao hơn thành công, đó chính là sự thiện lành. Trước đây, dì Cát cho xuất bản cuốn tự truyện cũng vì tự ái, muốn chứng tỏ mình, nhưng giờ điều đó không có ý nghĩa gì hết. Dì đã sống thật nhẹ nhàng. Dì không cần ai biết tới mình. Dì lặng lẽ hạnh phúc trong gian bếp thuần chay này.

Tôi nói với dì Cát, tôi tuy nghèo nhưng tôi không lấy tiền chục cái nồi gang này đâu, mà cúng dường cho nhà chùa, để thỉnh thoảng tôi lại tới đây, ngồi chỗ góc bếp này, ăn một món chay và tập “Im lặng, mỉm cười”.

T.N.T


Truyện ngắn của Trần Nhã Thụy. Minh họa: hoàng đặng