Dũng không phải kẻ đầu tiên và chưa chắc đã là cuối cùng trong số những kẻ liều lĩnh với lực lượng bảo vệ cùng hệ thống camera an ninh dày đặc. Tại tỉnh Thái Bình ngày 21-7, Nguyễn Văn Kiên mang súng đồ chơi và dao xông vào phòng giao dịch một ngân hàng ở huyện Đông Hưng rồi hô lớn: “Tất cả nằm xuống, đưa tiền đây”. Tuy nhiên, ngay lập tức Kiên bị bảo vệ ngân hàng và nhân viên phối hợp khống chế.

Một vụ khác, chiều 11-5, Đào Anh Tuấn tới phòng giao dịch của một ngân tại quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng. Tuấn rút súng khống chế nhân viên giao dịch, yêu cầu đưa tiền.

Cũng tại TP Hải Phòng ngày 7-1, Nguyễn Văn Nam mang 2 khẩu súng tới một chi nhánh ngân hàng ở quận Hải An. Tại đây, Nam nổ súng uy hiếp nhân viên và cướp đi hơn 3 tỉ đồng.

Những kẻ hành động liều lĩnh trên có đặc điểm chung là khi bước vào ngân hàng để gây án đều đeo khẩu trang kín mặt – có lẽ với suy nghĩ ngây ngô rằng “không thấy mặt là không thể phát hiện”. Tuy nhiên, kết cục thì tất cả đều sa lưới.

Việc truy tìm nhanh chóng tội phạm cướp ngân hàng của lực lượng chức năng được người dân rất ngưỡng mộ. Nhưng nhìn xa hơn, nếu loại tội phạm này vẫn tin chắc “phi vụ thành công” vì đã che được mặt thì trong tương lai sẽ còn nhiều kẻ manh động như thế.

Tôi cho rằng nên có quy định chung và thực hiện nghiêm quy định đó, rằng bất cứ ai bước vào ngân hàng đều phải đứng trước camera với khuôn mặt trần (sau đó có thể đeo lại khẩu trang nếu bị dị ứng hoặc để phòng chống dịch). Làm được như vậy sẽ dập tắt được “niềm tin thoát thân” của tội phạm. Từ đó, chúng sẽ hết manh động, công an đỡ vất vả, ngân hàng giảm thiểu bất an, còn khách hàng không gặp nỗi hoảng loạn vì bị đe dọa mạng sống.

Cho thấy trước hậu quả để không dám phạm tội chính là một cách “diệt mầm mống từ trong trứng nước” cực tốt.


Ngọc Kỳ