Bloomberg cho biết Đức và các đồng minh đang chuẩn bị cho kịch bản Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ nhân cơ hội bảo trì để cắt đứt dòng chảy khí đốt qua đường ống Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) tới châu Âu. 

Trường hợp Moscow làm như vậy, chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz có thể phải kích hoạt các biện pháp khẩn cấp như phân bổ và cứu trợ các công ty năng lượng. Hậu quả, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ đối mặt với suy thoái và gây ra tác động trên khắp lục địa. 

Ông Christian Kullmann, Giám đốc điều hành Tập đoàn hóa chất Evonik Industries AG của Đức, cho biết họ có lý do để lo lắng.

Đức tiếp nhận hơn 1/3 nguồn cung cấp khí đốt từ Nga và chưa có các giải pháp thay thế khả thi trong ngắn hạn. Mặc dù Moscow tuyên bố không sử dụng năng lượng như một vũ khí nhưng vẫn tồn tại nhiều nghi ngờ.

Đức đang tìm cách giảm nhu cầu sử dụng khí đốt. Ảnh: Reuters

Theo Bloomberg, châu Âu đang tìm cách lấp đầy kho dự trữ cho mùa đông. Vì vậy, nếu Nga phá vỡ thị trường khí đốt càng sớm thì giá cả càng tăng cao và Moscow chắc chắn được hưởng lợi. Bà Olga Khakova, Phó giám đốc Trung tâm Năng lượng toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương (trụ sở tại Mỹ), nhận định: “Nga đang cố gắng tối đa hóa các công cụ mà họ còn nắm giữ”. 

Vai trò là một đối tác năng lượng ổn định của Nga đã bị xóa nhòa kể từ khi nước này can thiệp quân sự vào Ukraine cuối tháng 2 năm nay. Tại Đức, các đường dây liên lạc với Tập đoàn khí đốt nhà nước Gazprom (Nga) đã bị cắt đứt.

Berlin đã và đang từng bước chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn phía trước. Bloomberg cho biết ông Scholz so sánh tình hình hiện tại với sự gia tăng lạm phát vào những năm 1960 và 1970, đồng thời cảnh báo nó sẽ không kết thúc sớm.

Trong khi đó, Công ty Uniper, đơn vị mua khí đốt Nga lớn nhất của Đức và là nhà cung cấp chủ chốt cho các công ty tiện ích địa phương, đã gây áp lực lên chính phủ khi tuyên bố hôm 8-7 rằng họ đang thiếu tiền mặt. Giám đốc điều hành Klaus-Dieter Maubach cảnh báo Uniper sẽ sớm không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút khí đốt từ các kho chứa, tăng giá đối với khách hàng và thậm chí giảm nguồn cung. 

Để chống lại cuộc khủng hoảng, Đức buộc phải hồi sinh các nhà máy than để sản xuất điện. Theo ước tính của Tổ chức nghiên cứu BloombergNEF, động thái này sẽ giúp Đức cắt giảm 52% lượng khí đốt được sử dụng cho lĩnh vực năng lượng trong 12 tháng tới. 

Đức đặt mục tiêu lấp đầy các kho chứa khí đốt ít nhất là 90% vào tháng 11 năm nay. Mức hiện tại là khoảng 63% và khả năng lấp đầy có thể sẽ giảm khi đường ống Nord Stream bảo trì. Đồng thời, các công ty trên khắp nước Đức đang đảm bảo nguồn dự trữ, tìm kiếm các loại nhiên liệu thay thế và xem xét nguy cơ rủi ro nếu đường ống Nord Stream ngừng hoạt động.

Áp lực về năng lượng đối với Đức nói riêng dần trở nên hữu hình hơn. TP Munich hạ nhiệt độ các hồ bơi công cộng để tiết kiệm điện, TP Cologne giảm đèn đường và TP Hamburg lên kế hoạch chỉ cung cấp nước ấm vào những thời điểm nhất định trong ngày.

Các văn phòng Quốc hội ở thủ đô Berlin cũng hạ nhiệt độ và Công ty bất động sản Vonovia bắt đầu giảm nhiệt độ vào ban đêm xuống 17 độ C tại phần lớn căn hộ của họ.


Phạm Nghĩa