UBND TP Hà Nội vừa ban hành các quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu (QHPK) đô thị Sóc Sơn gồm các khu 1, 2, 4, 5 và 6, tỉ lệ 1/2.000 thuộc các xã Phù Linh, Tiên Dược, Mai Đình, Đông Xuân, Quang Tiến, Phù Lỗ và thị trấn Sóc Sơn. TP Hà Nội cũng đang khẩn trương lập các QHPK đô thị cấp độ 2 nhằm triển khai cụ thể hóa quy hoạch chung các đô thị vệ tinh.

Thêm không gian phát triển

Quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 xác định Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Trong đó, 4 đô thị vệ tinh: Phú Xuyên, Xuân Mai, Sóc Sơn, Sơn Tây được TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chung từ năm 2015 với tổng diện tích khoảng 20.388,3 ha, riêng đô thị vệ tinh Hòa Lạc có diện tích 17.274 ha được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung vào tháng 5-2020. Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải nhiều chức năng cho đô thị trung tâm.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết TP luôn xác định công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những vấn đề chiến lược, phải đi trước một bước, nhằm tạo nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị, tạo ra hệ thống hạ tầng khung giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị trong khu vực và cả nước.

Đại lộ Thăng Long nối kết trung tâm Hà Nội với đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Ảnh: HỮU HƯNG

Theo ông Tuấn, TP sẽ đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, tạo động lực phát triển thủ đô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các địa phương khác trong vùng thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước, tăng cường công tác quản lý dân cư trên địa bàn.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng như xây dựng cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường xuyên tâm, vành đai: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 6, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2.5, Vành đai 3, Vành đai 3.5…; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các cầu qua sông Hồng. Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 – vùng thủ đô, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh; mở rộng không gian phát triển cho TP Hà Nội.

Giải quyết nhiều vấn đề “nóng”

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội nhiều lần khẳng định quan điểm của Hà Nội là trong quy hoạch phát triển thủ đô giai đoạn tới, TP kiên trì bảo vệ quy hoạch đặc thù phát triển chùm đô thị vệ tinh. Thời gian vừa qua, do có yếu tố dàn trải nên việc quy hoạch, đầu tư phát triển 5 đô thị vệ tinh của TP Hà Nội còn hạn chế. Vì thế, trong vài năm tới, TP sẽ cố gắng phát triển được 2-3 đô thị vệ tinh.

Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, khi Hà Nội triển khai xây dựng đồng bộ 5 đô thị vệ tinh sẽ có khả năng dung nạp khoảng gần 1,4 triệu người, giảm áp lực dân số và hạ tầng kỹ thuật vào đô thị trung tâm, nhất là nội đô lịch sử. Quỹ đất có khả năng khai thác gần 25.000 ha (gần 70% diện tích tự nhiên nội đô lịch sử), tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp, sáng tạo.

“Khi thực hiện các đô thị vệ tinh còn góp phần thúc đẩy vai trò liên kết của Hà Nội với các tỉnh trong vùng, khu vực, tạo thuận lợi cho thực hiện chức năng đô thị đặc biệt là thủ đô, là động lực phát triển vùng. Do đó, TP cần chỉ đạo quyết liệt, bứt phá, không để chậm thêm thời hạn hoàn thành các QHPK đô thị vệ tinh” – ông Nghiêm nói.

Về tiến độ lập quy hoạch 31 đồ án QHPK tại các đô thị vệ tinh, đại diện Phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và nông thôn thuộc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, cho biết hiện 6 đồ án gồm 3 QHPK đô thị Xuân Mai (khu 1, khu 2, khu 3) và 3 QHPK đô thị Phú Xuyên (khu 1, khu 2, khu 3) đã được Sở Quy hoạch – Kiến trúc thẩm định, trình UBND TP xem xét phê duyệt. Việc hoàn thiện những đồ án QHPK tại 2 đô thị vệ tinh này sẽ tạo động lực để các địa phương, đơn vị tích cực vào cuộc tháo gỡ khó khăn, hoàn thành sớm những QHPK còn lại.

Nhằm đẩy nhanh việc hoàn thiện các QHPK tại 5 đô thị vệ tinh, TP Hà Nội đã giao rõ người, rõ việc, rõ tiến độ cho các địa phương, sở, ngành. Vấn đề hiện nay là cần tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch, bảo đảm chất lượng, tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Nghiên cứu mô hình “Thành phố thuộc thủ đô”

Theo ông Dương Đức Tuấn, Hà Nội đang tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới, trong đó sẽ nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển “Thành phố thuộc thủ đô” tại khu vực phía Bắc (gồm các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh) sẽ bảo đảm kết nối với 2 TP lân cận phía Bắc (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh) để hình thành “Trung tâm của 3 trung tâm” – 3 cụm động lực phát triển kinh tế vùng theo định hướng quy hoạch vùng thủ đô (Hà Nội – Vĩnh Phúc – Bắc Ninh). Thành phố tại khu vực phía Tây (đô thị Hòa Lạc kết nối với đô thị Xuân Mai) hình thành định hướng đô thị có tính chất khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo và dịch vụ kết nối với các tỉnh phía Tây Bắc.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ tập trung phát triển các huyện lên quận. Phấn đấu đến năm 2025 có 3-5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1-2 huyện phát triển thành quận. Nghiên cứu mở rộng, nâng cấp sân bay quốc tế Nội Bài và xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế dự kiến tại khu vực phía Nam của TP, đáp ứng yêu cầu giao thông cửa ngõ, phát triển vùng thủ đô và khu vực phía Bắc.


Bạch Huy Thanh