Ngày 21-3, Liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo chu kỳ.

Cụ thể, từ 15 giờ cùng ngày, giá xăng E5RON92 và xăng RON95 cùng giảm 780 đồng/lít. Như vậy, xăng E5RON92 có giá bán mới là 22.800 đồng/lít; xăng RON95 có giá 23.030 đồng/lít.

Tương tự, dầu diesel giảm 1.200 đồng/lít, có giá bán là 20.500 đồng/lít; dầu hỏa giảm 1.250 đồng/lít, có giá 19.460 đồng/lít và dầu mazut có giá bán 14.470 đồng/kg sau khi giảm 800 đồng/kg. Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Giá xăng dầu đồng loạt giảm từ chiều 21-3

Tại kỳ điều hành gần nhất ngày 13-3, cơ quan điều hành quyết định tăng 380 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, trong khi đó xăng RON 95 tăng 490 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.800 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.810 đồng/lít. Tương tự, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng. Cụ thể, dầu diesel tăng lên 20.500 đồng/lít, dầu hỏa tăng lên 20.710 đồng/lít.

Tại phiên họp 21 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) mới đây, các thành viên UBTVQH đã cho ý kiến về việc giữ hay bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu khi thảo luận về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, nhấn mạnh sự cần thiết phải quy định về quỹ bình ổn giá trong dự thảo, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ quy định chi tiết về việc lập, quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ chiến lược thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Ông Hoàng Thanh Tùng tán thành việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết tại phiên giải trình về vấn đề xăng dầu do ủy ban này tổ chức vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng quỹ chưa bảo đảm đúng mục đích. Tuy nhiên, ông Thanh cũng tán thành với ý kiến duy trì quỹ nhưng cần có biện pháp để quỹ hoạt động có hiệu quả, công khai, minh bạch.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, nhiều ý kiến tán thành về sự cần thiết duy trì quỹ vì quỹ này là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Thực tế thời gian qua cho thấy khi giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động giá; từ đó giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì quỹ; bởi đây là quỹ tài chính do người tiêu dùng chi trả, song lại do doanh nghiệp quản lý và quyết định sử dụng lại ở cơ quan điều hành, chưa có quy định về thời hạn hoạt động của quỹ.


Minh Chiến