Là một trong những trung tâm Văn hóa – Thể thao (VH-TT) thường xuyên “sáng đèn” và thu hút khá đông người dân dịp cuối tuần nhưng bà Phan Thị Xuân Thu, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT quận 12, cho biết trung tâm sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu các vướng mắc về cơ chế được tháo gỡ để thực hiện liên doanh – liên kết, xã hội hóa các hoạt động vui chơi, giải trí…

Chật vật xoay xở

Theo bà Thu, do chưa được UBND TP HCM phê duyệt đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh – liên kết theo quy định tại Nghị định 151/2017 (quy định một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) nên hồ bơi của đơn vị phải đóng cửa từ năm 2020. Hồ bơi từng thu hút đông khách, là nguồn thu sự nghiệp bổ sung vào kinh phí hoạt động của đơn vị, nay ngưng hoạt động nên rong rêu bám đầy, thỉnh thoảng phải phun thuốc xử lý vì sợ phát sinh muỗi.

Bên trong nhà hát tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện Hóc Môn .Ảnh: THU HỒNG

“Ngoài ra, trung tâm hoạt động hơn 20 năm, đến nay nhiều hạng mục xuống cấp. Do nguồn kinh phí cấp cho trung tâm có hạn nên việc mua sắm, sửa chữa cho nhà văn hóa hầu như không có, phần lớn sử dụng lại các thiết bị cũ nên không đáp ứng nhu cầu phục vụ hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn quận, phường” – bà Thu nói thêm.

Tại quận 4, bà Đỗ Thị Trúc Mai, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết khó khăn lớn nhất của quận là thiếu quỹ đất để đầu tư các thiết chế văn hóa. Các tụ điểm sinh hoạt văn hóa còn nhỏ hẹp làm ảnh hưởng nhu cầu sinh hoạt, giải trí cho trẻ em. Ngoài ra, việc đầu tư một số hoạt động cộng đồng, thư viện, tủ sách thiếu nhi… chưa hiệu quả nên chưa thu hút trẻ. Một số phường chưa có giải pháp mới trong việc tạo nhiều loại hình sân chơi.

Nhiều trò chơi cho trẻ em tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận 12 đang xuống cấp .Ảnh: THU HỒNG

Cũng theo bà Trúc Mai, cần sớm tháo gỡ vướng mắc tại Nghị định 151/2017, qua đó mở ra cơ chế, tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội hóa cho các dự án xây dựng phục vụ cộng đồng.

Tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận (nay là Trung tâm VH-TT quận Phú Nhuận), nơi đây từng là điểm sáng trong hoạt động với Sân khấu Kịch Phú Nhuận (hợp tác với NSND Hồng Vân). Tuy nhiên, địa điểm này rơi vào cảnh vắng vẻ.

Một góc Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận Phú Nhuận .Ảnh: LÊ VĨNH

Ông Phan Lê Tường Linh, phó giám đốc trung tâm, cho biết việc đầu tư xã hội hóa tại đơn vị đang gặp nhiều khó khăn làm hạn chế sự phát triển của đơn vị. Trong đó, vướng mắc nhiều nhất ngoài Nghị định 151/2017 còn là Nghị định 60/2021 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Ông Linh lấy ví dụ về trường hợp Sân khấu Kịch Phú Nhuận, căn cứ quy định thì tiền thuê đất của sân khấu là khoảng 4 tỉ đồng/năm (thời điểm cách đây khoảng 3 năm). Trong khi đó, toàn bộ doanh thu của sân khấu trong 1 năm chỉ khoảng 4,5 tỉ đồng. Tiền thuê đất quá cao và theo quy định phải được UBND thành phố cho phép nên Trung tâm VH-TT quận Phú Nhuận đã dừng hợp đồng cho thuê sân khấu với NSND Hồng Vân.

Để các trung tâm VH-TT thu hút người dân, theo ông Linh, TP HCM cần cơ chế đặc thù như miễn, giảm tiền thuê đất và thuế cũng như có giải pháp khắc phục những khó khăn khác.

Tìm cách gỡ khó

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT TP HCM, nhìn nhận việc thực hiện thiết chế văn hóa cơ sở tại TP HCM còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, thiếu nhân sự, chưa có hướng dẫn cụ thể để thực hiện xã hội hóa…

Ông Nam dẫn chứng kinh phí từ ngân sách cấp cho các hệ thống thiết chế văn hóa chỉ đáp ứng hoạt động cơ bản. Việc thực hiện theo Nghị định 60/2021, Nghị định 151/2017 đang gây khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp trong việc khai thác nguồn thu, bảo đảm tự thu, tự chi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và tái đầu tư cơ sở vật chất. Theo ông Nam, việc cần làm trong thời gian tới là làm sao sớm thực hiện Đề án phát triển tổng thể hệ thống thiết chế VH-TT cơ sở trên địa bàn TP HCM đến năm 2035 (Sở VH-TT đã trình và đang chờ phê duyệt, bố trí kinh phí thực hiện – PV). Ngoài ra, tín hiệu tốt nữa là UBND TP HCM cũng đã kiến nghị Chính phủ trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc thù cho TP HCM, trong đó có nội dung cho phép thực hiện liên doanh – liên kết nhằm kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư, nâng chất hoạt động VH-TT.

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP HCM, sau khi trực tiếp khảo sát việc thực hiện thiết chế văn hóa cơ sở tại một số quận, huyện đã nhìn nhận việc thực hiện thiết chế văn hóa cơ sở còn khó khăn. Cơ sở vật chất nhiều trung tâm VH-TT đã xuống cấp; không có quỹ đất nên thiếu nhà văn hóa phường, xã. Hoạt động VH-TT còn đơn điệu, chưa thu hút người dân tham gia…

“TP HCM có hơn 10 triệu dân sinh sống và làm việc, là trung tâm văn hóa của khu vực nhưng tỉ lệ đầu tư cho ngành văn hóa chỉ 17% là chưa tương xứng. Các sở, ngành cần cùng nhau tháo gỡ, tăng đầu tư công cho VH-TT. Làm sao TP HCM phải là điểm đến hấp dẫn, người dân được thụ hưởng những hoạt động văn hóa tinh thần tốt hơn” – ông Bình nhấn mạnh.

Để các thiết chế văn hóa thực sự là “món ăn tinh thần”, ông Cao Thanh Bình đề nghị các sở, ngành phối hợp Sở VH-TT sớm ban hành và triển khai thực hiện Đề án phát triển tổng thể hệ thống thiết chế VH-TT cơ sở trên địa bàn TP HCM đến năm 2035. Đây là cơ sở để các địa phương định hướng phát triển, tập trung đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa trên địa bàn.

Ngoài ra, ông Bình cũng đề nghị các quận, huyện ưu tiên quỹ đất, đầu tư lại nhà văn hóa phường, xã. Song song đó, các khu chế xuất, khu công nghiệp cần lưu tâm xây dựng trung tâm sinh hoạt công nhân, công trình thể dục thể thao vì hiện nay chỉ có 9/17 khu chế xuất, khu công nghiệp có các trung tâm sinh hoạt công nhân là quá ít, chưa đáp ứng đời sống tinh thần cho lực lượng lao động.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 17-4

Rất thiếu nhà văn hóa, thể thao cấp phường, xã

Thống kê của Sở VH-TT TP HCM cho thấy ở cấp quận, huyện, toàn thành phố có 18 trung tâm VH-TT, 4 trung tâm văn hóa và 4 trung tâm thể thao. Toàn thành phố hiện có 9/17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao có xây dựng trung tâm sinh hoạt công nhân, công trình thể thao.

Riêng cấp cơ sở hiện có 88/312 phường, xã, thị trấn có nhà văn hóa, trung tâm VH-TT (chiếm 28,2%). Hầu hết các trung tâm học tập cộng đồng tại cơ sở không có nơi học tập, sinh hoạt, phải hoạt động ghép vào các trung tâm văn hóa hay trụ sở, cơ quan nhà nước. Nhiều năm nay, các trung tâm học tập cộng đồng đều hoạt động kém hiệu quả.

Chú trọng chất lượng nhân sự

Nhiều năm giảng dạy và làm việc với các trung tâm văn hóa, tiến sĩ – đạo diễn Hoàng Duẩn (giảng viên Trường Đại học Văn hóa TP HCM) nhận xét nhìn chung các trung tâm văn hóa chưa thực sự thu hút người dân.

Theo ông Hoàng Duẩn, trung tâm văn hóa chính là nơi tiếp cận gần nhất với người dân và phải phục vụ đại chúng. Do đó, để tăng sức hút, nâng cao chất lượng phục vụ người dân thì những nơi này cần phải được đầu tư bài bản về không chỉ vật chất mà còn là chất lượng nhân lực.

“Trong xã hội hiện đại, ngoài chức năng giải trí thì trung tâm văn hóa còn chức năng giáo dục về thẩm mỹ, đạo đức, kỹ năng sống, nghệ thuật giúp mang lại giá trị tinh thần cho người dân; trung tâm văn hóa đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân” – tiến sĩ – đạo diễn Hoàng Duẩn nói.


THU HỒNG – LÊ VĨNH