UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản giao Sở NN-PTNT cùng các huyện Tu Mơ Rông, Đắk Glei kịp thời có biện pháp hỗ trợ người dân có vườn sâm Ngọc Linh bị chết.

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông, Đắk Glei thời tiết bất lợi khi xảy ra mưa đá, mưa lớn, mưa dài ngày làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây sâm Ngọc Linh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến một số loại sâu bệnh phát sinh và gây hại, làm chết và giảm sinh trưởng của cây sâm Ngọc Linh.

Có tổng cộng hơn 53.000 cây sâm Ngọc Linh của người dân ở tỉnh Kon Tum đã bị chết

Cây “quốc bảo” chết, nhiều người trồng bị thiệt hại nặng nề. Anh Thuất (xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông) cho biết hoàn cảnh gia đình nghèo khó, thấy sâm Ngọc Linh có giá trị cao nên đã mạnh dạn vay mượn ngân hàng để đầu tư trồng. Vườn sâm Ngọc Linh của anh Thuất nằm trên đỉnh núi, cách làng khoảng 15km. Nơi đây, anh đã rào xung quanh bằng kẽm gai và trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. 

Theo anh Thuất, mưa lớn, sâu bệnh đã làm những luống sâm 1 năm tuổi lá ngả vàng, chết trơ trụi gần hết. Những luống sâm 3-4 tuổi thì cây chết, cây bị thối củ. “Tôi đếm đã có trên 700 cây sâm Ngọc Linh 1 năm tuổi bị chết, thiệt hại 250 triệu đồng. Tiền đầu tư tôi đều vay ngân hàng, giờ sâm chết nên chưa biết lấy gì để trả” – anh Thuất rầu rĩ.

Theo thống kê, huyện Đắk Glei có hơn 13.500 cây sâm Ngọc Linh của người dân xã Ngọc Linh và Mường Hong cũng bị chết trong thời gian qua. Tại Tu Mơ Rông, toàn huyện có gần 40.000 cây sâm của 408 hộ bị sâu bệnh, chết với tổng thiệt hại gần 21 tỉ đồng.

Đa phần người trồng sâm Ngọc Linh đều vay vốn của ngân hàng

Ngay sau khi nhận được thông tin về tình hình cây sâm Ngọc Linh chết, UBND huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, xác minh nguyên nhân và hướng dẫn tạm thời một số biện pháp phòng trừ, hướng dẫn người dân tách cây bệnh ra khỏi luống….

Qua đó, cơ quan chức năng xác định trong số gần 40.000 cây sâm Ngọc Linh bị thiệt hại, hơn 38.000 cây của 393 hộ là do sâu bệnh, hơn 800 cây bị thiệt hại do mưa đá.

Theo UBND huyện Tu Mơ Rông, đa số các hộ dân trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn là người dân tộc thiểu số, đều vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. UBND huyện Tu Mơ Rông kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu các chính sách để hỗ trợ người dân trồng sâm; chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội có phương án khoanh, giãn nợ cho người dân vay vốn để trồng sâm Ngọc Linh; chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng giống sâm Ngọc Linh cho người dân trên địa bàn để khôi phục các diện tích bị chết.

Người trồng sâm bị thiệt hại

Từ đề nghị của các địa phương trồng sâm Ngọc Linh bị thiệt hại, Chủ tịch UBND Kon Tum đã có ý kiến, chỉ đạo Sở NN-PTNT tăng cường kiểm tra, theo dõi, kịp thời hướng dẫn UBND hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei xử lý các vấn đề liên quan quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh theo quy định; hạn chế tối đa việc cây bệnh và chết như thời gian vừa qua.

UBND tỉnh Kon Tum đề nghị hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei chủ động làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để được hướng dẫn và có giải pháp hỗ trợ người dân. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc thì tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Bên cạnh đó, giao Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô phối hợp cùng UBND hai huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei có giải pháp cung ứng giống sâm Ngọc Linh với giá hỗ trợ, nhằm tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn khắc phục thiệt hại và trồng mới, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch phát triển sâm Ngọc Linh đã được UBND tỉnh giao năm 2022. Đồng thời, tổ chức học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh, đảm bảo sinh trưởng, phát triển tốt và hướng dẫn cho người dân trên địa bàn thực hiện.