Sau công điện của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn trong phòng cháy chữa cháy (PCCC), nhiều doanh nghiệp (DN) rất vui mừng và cho biết sẵn sàng nêu những vướng mắc trong công tác này đến cơ quan chức năng.

Điểm nghẽn trong kinh doanh

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), cho biết một số tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC là điểm nghẽn rất lớn trong môi trường kinh doanh mà ban nhận được phản ánh từ các DN.

“Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt, thể hiện sự sâu sát trước những khó khăn của DN. Chỉ trong 18 tháng nhưng có đến mấy văn bản pháp quy ở cấp độ thông tư, đưa ra những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật rất khó thực hiện liên quan PCCC buộc DN tuân thủ. Có những quy định mà các DN không biết tuân thủ như thế nào cho đúng” – bà Thủy băn khoăn.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy dẫn chứng: DN đầu tư xây dựng nhà xưởng, kho bãi theo những quy định PCCC cũ nhưng đến khi làm xong, cơ quan kiểm định lại buộc phải tuân thủ theo quy định mới. Có những tiêu chuẩn, quy chuẩn không khả thi ở Việt Nam; có những tiêu chuẩn được nâng tầm ngang với quy chuẩn đang áp dụng tại Anh – một trong những quốc gia tiên tiến nhất thế giới. Theo bà Thủy, dù hướng đến những tiêu chuẩn cao để tránh rủi ro cháy, nổ nhưng đưa ra các tiêu chuẩn cao quá, không tuân thủ được thì không DN nào chịu đựng nổi; chi phí tuân thủ là ngoài tầm với của họ.

“Có những yêu cầu rất cụ thể về sơn chống cháy nhưng loại sơn đó lại chưa được cấp phép trên thị trường và cũng chưa DN nào ở Việt Nam sản xuất được. Quy định về sơn chống cháy cụ thể nhưng cả thị trường lại không có loại sơn đó nên công trình xây xong mà không được thẩm định, không được nghiệm thu, không được vận hành… Những quy định như vậy làm DN rất khó khăn, lúng túng” – bà Thủy nhận xét.

Ngoài ra, có những quy chuẩn PCCC áp dụng chung cho nhiều hạng mục công trình, không phân biệt về quy mô, chức năng vận hành các công trình đó. Những công trình xây dựng nhỏ – to, có chức năng, công dụng khác nhau đều áp chung một quy định. Nhiều công trình chỉ cần có giấy của cấp xã nhưng vẫn phải chịu sự thẩm tra. Chỉ một hạng mục của công trình mà có đến 3 cơ quan thanh tra, kiểm tra về PCCC…

Một công ty FDI ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai phản ánh thủ tục xin thẩm duyệt giấy phép PCCC rất khó khăn và mất rất nhiều thời gian kể từ cuối năm 2022. Trước đây, việc thẩm duyệt giấy phép PCCC do tỉnh thực hiện nhưng từ cuối năm 2022 đã chuyển lên Cục Cảnh sát PCCC – Cứu nạn cứu hộ (CNCH) ở Hà Nội xem xét và thời gian chưa được xác định. Việc này gây nhiều khó khăn cho các thủ tục tiếp theo đối với dự án mở rộng sản xuất của công ty.

Hiện trường một vụ hỏa hoạn tại quận 3, TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Chi phí cao vẫn không đạt

Ông H.V.T, giám đốc một DN sản xuất nông sản tại TP HCM, cho biết chi phí đầu tư cho hệ thống PCCC rất tốn kém. Chẳng hạn, với nhà xưởng diện tích khoảng 2.000 m2 sẽ tốn khoảng 1 tỉ đồng cho việc xây dựng hầm chứa nước, hệ thống bơm, đường ống. Chưa hết, cơ quan chức năng còn bắt buộc phải trang bị cả hệ thống PCCC tự động. Ngoài ra, DN còn phải trang bị hàng trăm bình cứu hỏa và phải thay mới hằng năm dù không sử dụng.

Theo ông H.V.T, vừa qua, cơ quan PCCC liên tục kiểm tra DN của ông về PCCC; yêu cầu phải thay nhiều thiết bị, bổ sung lắp đặt thêm các hệ thống phòng cháy dày đặc hơn với chi phí đầu tư hàng trăm triệu đồng.

Ông N.M.L, giám đốc một công ty trong lĩnh vực hàng trang trí nội thất ở TP HCM, cho biết DN đã xây dựng hệ thống PCCC hơn chục năm qua, năm nào cũng được cơ quan chức năng kiểm tra và xác nhận đạt tiêu chuẩn an toàn. Tuy nhiên, mới đây, cơ quan chức năng đánh giá nhiều hạng mục không đạt yêu cầu và buộc công ty phải xây dựng lại. Ông L. rầu rĩ: “Dù công ty đã thực hiện đúng theo yêu cầu của cơ quan chức năng nhưng khi họ kiểm tra lại đều bị “đánh rớt”.

Nhiều DN cũng bức xúc về việc thuê dịch vụ bên ngoài lắp đặt hệ thống PCCC thì chi phí thấp hơn khá nhiều so với cơ quan PCCC thi công. Để không mất nhiều thời gian cũng như bị kiểm tra không đạt yêu cầu, nhiều DN đành chấp nhận chi phí cao để cơ quan PCCC thi công cũng như cung cấp các thiết bị PCCC.

Đặc thù karaoke

Tại buổi tọa đàm “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để dịch vụ karaoke hoạt động lành mạnh, an toàn” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 7-4, nhiều chủ DN cho rằng quy định hiện nay quá khắt khe, chồng chéo và nhiều cấp kiểm tra khác nhau nên DN khó thực hiện.

Ông Nguyễn Quang Vinh, chủ hệ thống karaoke Fyou (quận 10, TP HCM), cho biết cơ sở của ông đã tạm ngưng hoạt động 7 tháng để khắc phục một số hạng mục về an toàn PCCC, dù hằng tháng phải đóng tiền mặt bằng, trả lương nhân viên. Hiện tại, DN vẫn gặp nhiều khó khăn nên mong muốn các cơ quan chức năng hỗ trợ để sớm hoạt động trở lại. “Mặc dù đáp ứng 8 hạng mục mà cơ quan PCCC đưa ra nhưng đến nay, cơ sở chúng tôi vẫn chưa thể hoạt động” – ông Vinh ưu tư.

Phát biểu tại tọa đàm, đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TP HCM, cho rằng karaoke là dịch vụ mang tính đặc thù, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về cháy nổ và thực tế, nhiều vụ việc đã xảy ra ở một số nơi. Do đó, pháp luật có quy định đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, yêu cầu về PCCC rất cao, phải bảo đảm tuyệt đối an toàn mới được hoạt động.

Trước khó khăn của DN, sắp tới Công an TP HCM sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt liên hệ với các cơ sở kinh doanh karaoke để hướng dẫn chi tiết, cụ thể về tháo gỡ những khó khăn. Công an TP HCM cũng sẽ tiếp tục kiến nghị với Bộ Công an về việc áp dụng việc thẩm duyệt lại các cơ sở, với tiêu chí cơ sở đưa vào hoạt động ở thời điểm nào thì áp dụng quy định ở thời điểm đó.

“Công an TP HCM đang tổng hợp toàn bộ khó khăn, vướng mắc để tham mưu cho Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị đến Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành chức năng” – đại tá Huỳnh Quang Tâm thông tin.

Đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH – Công an TP Hà Nội cũng cho biết thời gian qua đã chủ động tổ chức cuộc họp đánh giá thực trạng công tác PCCC; bàn biện pháp, giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan công tác phòng cháy đối với các cơ sở kinh doanh karaoke.

Công an TP Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tích cực lắng nghe ý kiến của DN và hộ kinh doanh. Trên cơ sở đó, rà soát, phân loại và đánh giá thực trạng đối với từng loại hình cơ sở karaoke, xem xét trường hợp nào bảo đảm yêu cầu về an toàn PCCC thì cơ sở ấy được phép hoạt động và chủ cơ sở phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm, bảo đảm điều kiện an toàn. Đối với những tồn tại, Công an TP Hà Nội đã nghiên cứu và phân loại, đề xuất những giải pháp cụ thể để DN có thể khắc phục, đưa vào hoạt động. 

Phân loại cụ thể

Thủ tướng Chính phủ vừa ký công điện về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính nhưng phải bảo đảm an toàn PCCC tại DN, cơ sở sản xuất – kinh doanh.

Trao đổi với phóng viên, đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC-CNCH, cho biết cục đã có kế hoạch tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC theo đúng công điện của Thủ tướng. Cục đang đề nghị các tỉnh, thành phố và các DN thống kê những khó khăn cụ thể.

“Chúng tôi sẽ phân loại để có các phương án, cách thức tháo gỡ từng loại khó khăn, vướng mắc. Qua đó, tham mưu cho lãnh đạo các cấp để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn” – đại tá Khương cho biết.

Ng.Hưởng


Nhóm phóng viên