Trần Thanh Phong là một trong số ít nhà điêu khắc để lại dấu ấn tác phẩm của mình với những công trình khắc họa lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất đồng bằng sông Cửu Long. Lịch sử luôn gắn liền với những con người góp phần làm nên diện mạo, hồn cốt, anh linh của vùng đất đó. Ngoài những tác phẩm với những cụm nhân vật miêu tả tinh thần bất khuất của quân dân trong cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, Trần Thanh Phong còn có những công trình điêu khắc chân dung những chính khách nổi tiếng được trưng bày ở nhiều bảo tàng: Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Bảo tàng Tôn Đức Thắng, TP HCM), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM)… Trần Thanh Phong cũng dành tâm sức tạc nên chân dung nhiều văn nghệ sĩ mà anh gần gũi quý mến: nhà văn Mai Văn Tạo, nhà văn Sơn Nam, nhà văn Lê Văn Thảo…

Phác thảo tượng chân dung ông Trịnh Hồng Phương, bút danh Nguyễn Hải Tùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu), của nhà điêu khắc Trần Thanh Phong

 Đầu mùa xuân rồi, nhà điêu khắc Trần Thanh Phong khệ nệ bê bức tượng đồng của nhà văn Lê Văn Thảo đến phòng làm việc của tôi. Đặt bức tượng của cố nhà văn lên bàn, trước mặt tôi, nhà điêu khắc nói: “Trong khi chờ Bảo tàng Văn học Việt Nam vào nhận, anh gửi tượng anh Thảo ở phòng làm việc của em. Anh Thảo từng là Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM hai nhiệm kỳ liền”.

Sau khi nhìn tượng nhà văn Lê Văn Thảo tạm yên vị trên đầu tủ sách, anh Trần Thanh Phong nán lại trò chuyện với tôi. Anh bộc bạch nguyện vọng, rằng: Thời gian phía trước mỗi ngày một thu ngắn dần, tuổi lại chồng thêm tuổi, sức khỏe ngày một hao mòn, cuộc sống vật chất của anh cũng đủ đầy, nên anh muốn dành nhiều thời gian hơn để nặn chân dung những người mà anh cảm thấy “mắc nợ” và muốn được “trả nợ”. Và những người mà nhà điêu khắc muốn làm tượng để tri ân là Nguyễn Bính, nhà thơ có nhiều bài thơ đã tiếp cho anh cảm xúc và nghị lực suốt hành trình làm người cách mạng và làm một nghệ sĩ sáng tạo. Tiếp đến, nhà điêu khắc muốn làm tượng chân dung của ba tôi – nhà thơ, tác giả sân khấu Nguyễn Hải Tùng, một người dành cả cuộc đời làm công tác quản lý văn hóa văn nghệ ở Khu Tây Nam Bộ trước ngày thống nhất đất nước và làm Trưởng ty Văn hóa Cà Mau ngay sau ngày 30-4-1975… Ông cũng là thủ trưởng của Trần Thanh Phong khi anh công tác ở Tiểu ban Văn nghệ, thuộc Ban Tuyên huấn Khu Tây Nam Bộ.

Trong buổi rước tượng nhà thơ Nguyễn Bính từ xưởng điêu khắc của Trần Thanh Phong ở Củ Chi về đặt tại phòng lưu niệm trong ngôi nhà của con gái ông, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, nhà điêu khắc “lệnh” cho tôi: “Em tìm cho anh một ảnh chân dung ưng ý của chú Út, anh sẽ làm tượng chú”.

Tìm ảnh ưng ý của ba tôi, hóa ra lại không dễ dàng.

Gia đình còn lưu lại nhiều hình ảnh của ba tôi nhưng hầu hết là ảnh ông chụp chung với nhiều người, với tập thể. Vài ba tấm ảnh ba chụp riêng, ảnh đẹp, sinh động. Đó là những tấm ảnh ba chụp ở Moscow, ở Sofia vào những tháng mùa đông và mùa xuân năm 1974 năm 1975 sau khi ông cùng đoàn văn nghệ sĩ miền Nam vượt Trường Sơn ra Bắc rồi được sang Liên Xô và Bulgaria tham quan, học tập và nghỉ dưỡng. Đó cũng là những tấm ảnh chân dung mà anh Trần Thanh Phong cảm thấy gần gũi, bởi đó là khoảng thời gian anh làm “lính ruột” của ba tôi. Nhưng đó lại là chân dung ba tôi còn trẻ, quá trẻ, ở độ tuổi chỉ lớn hơn tuổi con gái đầu lòng tôi năm bảy tuổi.

Thế là, cả gia đình lớn của tôi, má tôi và các em cùng tìm kiếm ảnh ba tôi. Trong album gia đình, ba má tôi có những khoảnh khắc được ghi lại rất tự nhiên và tình cảm nhưng góc ảnh chụp không thể làm mẫu cho bức tượng chân dung. Vài ba tấm ảnh chụp lúc các con quây quần bên cha mẹ và cả những tấm ảnh ba tôi chụp riêng nhưng ở góc chụp nghiêng hay chỉ một phần gương mặt, cũng không thể làm mẫu hình cho đôi tay người nghệ sĩ tạo hình ảnh một chân dung chân thật, sống động đúng với thần thái của ba tôi.

Nhà điêu khắc sốt sắng tìm gọi và nhờ những nhà nhiếp ảnh tiếng tăm của Cà Mau, Bạc Liêu tìm giúp ảnh chân dung chú Út Nghệ (tên thường được gọi một cách thân mật của ba tôi). Nhiều bức ảnh được gửi cho nhà điêu khắc, cho chị em tôi nhưng đều là ảnh ba tôi chụp với anh em văn nghệ sĩ, với đoàn thể, với giới chức sắc, với chính khách… Trong nhóm Zalo gia đình (má tôi và chị em tôi), má còn nhắn tin cho các con, vừa giải thích vừa cũng để chị em tôi kiên nhẫn tìm ảnh chân dung ưng ý của ba tôi. Má viết: “Các con à, ba con suốt cả cuộc đời sống vì tập thể, vì mọi người. Má vẫn còn nhớ như in, lúc ba má chỉ mới có Bích Ngân, đứa con đầu lòng, ba con lúc đó là Trưởng Đoàn văn công Cà Mau đang chuẩn bị cho đêm diễn phục vụ bà con mừng xuân đón Tết ở Đầm Dơi thì bị máy bay phát hiện. Ngay sau đó máy bay quần đảo, rồi bom rơi đạn nổ. Ba con với vị trí chỉ huy, đã cho nhiều chuyến xuồng chở hết cán bộ, diễn viên, nhân viên đoàn đến chỗ trú ẩn an toàn trước rồi mới cho chuyến xuồng sau cùng đưa vợ con rời khỏi nơi hiểm nguy”.

Trong cuộc kháng chiến giành lấy độc lập tự do cho dân tộc, điệp trùng gian khổ, hy sinh nhưng đồng đội, đồng chí luôn hành động vì nhau, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Còn sống trong hòa bình, dù biết cái giá của nó là máu xương của bao nhiêu thế hệ nhưng không phải ai cũng có được việc làm, hành động không chỉ để ghi nhớ, tri ân bao người đã ngã xuống, kể cả những người từng chôn đồng đội và sống sót sau chiến tranh…

Ba tôi luôn chọn một thái độ sống nhất quán. Nhiều hành xử của ông đối với con người, với cuộc đời xuất phát từ tình thương, trách nhiệm, danh dự, lòng tự trọng mà tôi không thể nào kể hết.

Tôi còn nhớ ít nhiều những năm tháng “ngăn sông cấm chợ” đời sống thiếu thốn trăm bề. Gia đình cán bộ lãnh đạo đầu ngành cấp tỉnh thanh khiết như ba tôi xem ra còn khó khăn hơn. Vậy mà, khi được Sở Tài chính tỉnh Minh Hải phân bổ một chiếc xe Honda Cub 81 duy nhất cho Giám đốc Sở Văn hóa, ba tôi đã nhường tài sản này (lúc đó chiếc Cub “kim vàng giọt lệ” là cả khối tài sản khổng lồ đối với gia đình người Việt) cho bác Mười Nam (ông Đỗ Hồng Phước, cấp phó của ba).

Biết việc ba tôi khước từ một tài sản quá lớn này, má tôi chạnh lòng. Bởi, lúc đó, ngoài 8 giờ làm công chức mẫn cán ở cơ quan, mỗi đêm bà phải còng lưng ngồi đạp bàn máy may may áo quần gia công, có lúc đến hai, ba giờ sáng để kiếm thêm chút tiền chi tiêu cho gia đình có 6 miệng ăn mà 4 đứa con đang tuổi ăn học. Thấy má tôi buồn, tôi còn nhớ, ba tôi cầm chiếc quạt bằng lá dừa nước, đứng cạnh bàn may, quạt cho má tôi và an ủi bà bằng câu chuyện về sự hy sinh của cô Mười Hoa, em gái út của chú Sáu Kiên (ông Nguyễn Trung Kiên, người sau này thay ba tôi làm Giám đốc Sở Văn hóa khi ba tôi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải). Cô Mười Hoa là y sĩ, đẹp người đẹp nết. Hồi tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968, lúc đó ba tôi là Trưởng Tiểu ban văn nghệ Khu Tây Nam Bộ, đã cùng nhiều văn nghệ sĩ tham gia một mũi nhọn tiến vào thị xã An Xuyên (Cà Mau) rồi gặp đợt phản kích dữ dội, phải khựng lại, sau đó xuống hầm tránh đạn bom. Khi xuống hầm, ba tôi nhường cho cô Mười Hoa xuống trước rồi đến ba tôi và người bảo vệ xuống sau cùng. Nhưng cô Mười lại để quên cái “túi nhái” đựng thuốc men trên miệng hầm, nên cô lại leo lên lấy túi thuốc. Vậy là, cuối cùng cô Mười lại là người xuống hầm sau cùng và ngồi cạnh miệng hầm. Một trái bom rơi trúng cái hầm ba người đang trú ẩn. Cô Mười chết tại chỗ, người bảo vệ chết vài chục phút sau đó. Còn ba tôi, bị thương nặng, đã như là cái xác nhưng ngực còn ấm, nhịp tim còn đập và được cứu sống với mảnh bom găm vào bả vai và mảnh bom đó mãi nằm lại cạnh phổi và vết thương ấy không thôi hành hạ cho đến khi ông nhắm mắt xuôi tay.

Sau khi vừa quạt vừa kể cho má và cũng để cho các con nghe về cái chết tức tưởi của cô Mười Hoa và người bảo vệ mình, ba nói, giọng chùng xuống: “Gia đình mình còn sống và được như vầy vừa may mắn vừa cũng là hạnh phúc, mình à. Hơn nữa, đã làm người cộng sản là phải biết hy sinh quyền lợi riêng tư…”.

Trong quyển sổ “Nguyễn Hải Tùng – Còn lại tình yêu thương”, ghi lại những cảm xúc của nhiều người trong ngày ba tôi vĩnh viễn ra đi, ông Võ Văn Dũng – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, hiện là Phó trưởng Ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương – viết: “Cán bộ và nhân dân Bạc Liêu, Cà Mau hay Minh Hải trước đây, khi nhắc đến đồng chí Út Nghệ, ai ai cũng biết, cũng thương, cũng kính. Bạn bè các tỉnh, biết Minh Hải, biết Cà Mau, Bạc Liêu cũng ở phần thông qua biết nghệ sĩ Nguyễn Hải Tùng. Riêng tôi, chú Út là thần tượng, người lãnh đạo tốt, người chú đáng kính”. Trong một bộ phim tài liệu về ba tôi, Lê Duy Hạnh, tác giả đoạt giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM và Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam liên tiếp nhiều nhiệm kỳ thì đúc kết: “Trong cuộc sống và trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, anh Út thường tự nguyện lùi lại phía sau, nhường chỗ cho các thế hệ nghệ sĩ. Anh chăm lo, dìu dắt, đào tạo tài năng sân khấu của miền Tây Nam Bộ… Không thể nào quên được anh, anh Út Nghệ, anh Út của chúng tôi!”.

Ba tôi biết lùi về sau, luôn đặt ích lợi của người khác, của tập thể, của mọi người, của dân, của nước lên trên quyền lợi của mình, của gia đình mình. Đây không chỉ là thái độ sống, là phẩm hạnh mà còn là sự lựa chọn sinh tử của ông khi nói lời thề trung với nước, hiếu với dân trước lá cờ thấm máu của cha ông, của dân tộc này.

Tôi nói với nhà điêu khắc Trần Thanh Phong, ngoài một bức tượng chân dung của ba tôi đặt ở nhà ba má tôi, đúc thêm một phiên bản chân dung của ông.

Tượng ba tôi sẽ hiện diện trong ngôi nhà nhỏ của tôi. Tôi sẽ đặt chân dung sống động của ba tôi ở vị trí mà tôi có thể “trò chuyện” với ông mỗi ngày. Và nhìn vào ông, còn là nhìn vào một tấm gương soi…

(*) Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM

Rồi khi giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Minh Hải, Sở Nhà đất chọn một ngôi biệt thự nằm trên một khuôn viên cả ngàn mét vuông nằm trên trục đường chính của tỉnh, đường Trần Phú bây giờ, cấp cho ba tôi nhưng ông một mực từ chối. Ông bảo với người của Sở Nhà đất là: những ngôi nhà đẹp nhất, khuôn viên đẹp nhất phải dành làm công sở, làm trường học, làm bệnh viện… Và ông đã chọn cho gia đình một ngôi nhà nhỏ nằm trong một con hẻm sâu.


Nhà văn BÍCH NGÂN (*)