IMF hôm 6-10 tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi cảnh báo triển vọng kinh tế thế giới ảm đạm và rủi ro suy thoái gia tăng nhanh chóng.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva ước tính các quốc gia chiếm khoảng 1/3 GDP toàn cầu sẽ chứng kiến ít nhất 2 quý suy giảm kinh tế liên tiếp trong năm nay và năm sau. Bà Georgieva cũng đưa ra nhận định kém lạc quan khi cho rằng ngay cả khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu tích cực, nguy cơ suy thoái vẫn có khả năng xảy ra vì thu nhập thực tế giảm và giá cả tăng cao.

 IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ mất 4.000 tỉ USD từ nay đến năm 2026. Giám đốc điều hành IMF cho hay con số này tương đương GDP của cả nước Đức và đây là bước lùi to lớn đối với nền kinh tế thế giới.

Sau khi tăng trưởng toàn cầu đạt mức 6,1% vào tháng 10-2021 hậu đại dịch, IMF liên tục hạ dự báo tăng trưởng sau đó. Tổ chức tài chính toàn cầu hiện dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu đạt tổng cộng 3,2% trong năm nay và 2,9% trong năm 2023. Theo đài CNN, IMF có thể hạ dự báo lần nữa sau khi công bố báo cáo “Triển vọng kinh tế thế giới” mới vào tuần tới.

Người dân Tây Ban Nha nhận nhu yếu phẩm từ các tình nguyện viên trong bối cảnh lạm phát tăng vọt và giá tiêu dùng tăng cao ở thủ đô Madrid vào cuối tháng 9 Ảnh: REUTERS

Bà Georgieva cho hay tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang tăng trưởng chậm lại, đồng thời nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu trong bối cảnh Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, lĩnh vực bất động sản suy yếu tại Trung Quốc và lạm phát cao lịch sử ở Mỹ.

Thế giới đang ở trong một thời kỳ “mong manh chưa từng thấy”, trải qua các cuộc khủng hoảng bao gồm đại dịch, cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng ở Ukraine và tình trạng thời tiết khắc nghiệt, tất cả những điều này góp phần thúc đẩy giá cả tăng chóng mặt.

Theo giám đốc điều hành IMF, trong vòng chưa đầy 3 năm, thế giới đã liên tiếp trải qua từ cú sốc này đến cú sốc khác. Bà Georgieva kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tiếp tục chống lạm phát nhưng cảnh báo rằng biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức có thể đẩy toàn cầu vào thời kỳ suy thoái kéo dài.

Người đứng đầu IMF nhận định nếu không siết chặt chính sách tiền tệ đủ mức sẽ khiến lạm phát dai dẳng, điều này đòi hỏi lãi suất trong tương lai phải cao hơn và duy trì lâu hơn, gây ra tác hại lớn đối với tăng trưởng kinh tế và đời sống người dân.

Trái lại, việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức và quá nhanh song song với việc được thực hiện một cách đồng bộ giữa các quốc gia, có thể đẩy nhiều nền kinh tế vào suy thoái kéo dài.

 IMF khuyến cáo các chính phủ phản ứng bằng các chính sách tài khóa có mục tiêu và tạm thời để hỗ trợ những người dân dễ bị tổn thương nhất trong khi vẫn kiềm chế lạm phát tổng thể.

Trong khi đó, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cảnh báo bối cảnh kinh tế hiện tại không cho phép FED thay đổi chiến dịch nâng lãi suất một cách quyết liệt.

Bà Lisa Cook và ông Christopher Waller, 2 trong số các thành viên của Ban Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ, cho rằng việc ổn định giá cả sẽ đòi hỏi tăng lãi suất liên tục, sau đó siết chặt chính sách tiền tệ trong một khoảng thời gian cho đến khi FED có thể đạt mục tiêu đưa lạm phát trở về mốc 2%.

Đáng chú ý, giá dầu thế giới đã tăng vọt trong tuần này và trở lại mức cao nhất trong 3 tuần qua sau khi liên minh giữa Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và một số nhà sản xuất bên ngoài, gọi là OPEC+, nhất trí cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 tới.

Diễn biến trên có thể khiến giá dầu tăng cao hơn và làm gia tăng mối lo ngại về lạm phát leo thang khi các chính phủ nỗ lực kiềm chế chi phí sinh hoạt tăng vọt trong lúc châu Âu dự kiến tiêu thụ nhiều dầu hơn để thay thế khí đốt của Nga trong mùa đông tới. 


Xuân Mai