Indonesia hiện áp dụng án tử hình đối với các tội danh khủng bố, giết người và buôn bán ma túy. Trong bản dự thảo sửa đổi, tử hình được mô tả là “phương sách cuối cùng” và giải pháp thay thế được đưa ra là: Người bị kết án tử có thể có thời gian thử thách 10 năm, nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định thì được giảm án xuống chung thân.

Theo đó, các thẩm phán sẽ quyết định có tuyên án tử kèm thời gian thử thách hay không dựa trên những cơ sở như bị cáo “tỏ ra hối hận, có cơ hội cải tạo, không có vai trò lớn trong hành vi phạm tội hoặc có tình tiết giảm nhẹ trong vụ án”.

Cảnh sát Indonesia canh gác một cánh cổng tại cảng tiếp cận đảo tù Nusakambangan, nơi thường diễn ra các vụ hành hình Ảnh: EPA

Tuy nhiên, cái gọi là “án tử hình kèm thử thách” này – mang âm hưởng án tử hình “treo” của Trung Quốc, tức hoãn thi hành án 2 năm đối với tử tù – đã dấy lên lo ngại. Một số ý kiến cho rằng nếu áp dụng thời gian thử thách thì nên áp dụng cho mọi bị cáo bị tuyên tử hình thay vì để thẩm phán quyết định.

Ngoài Indonesia, một số quốc gia Đông Nam Á trước đây đã có động thái thay đổi chính sách liên quan đến án tử hình. Philippines đình chỉ việc áp dụng hình phạt tử hình từ năm 2006 trong khi Malaysia hồi tháng 6 vừa qua tuyên bố sẽ bãi bỏ hình phạt tử hình.

Singapore cũng công bố một điều khoản miễn án tử hình đối với một số tội danh vào năm 2012, bao gồm giết người và buôn bán ma túy. Tuy nhiên, trong năm 2022, Singapore đã tử hình một số đối tượng buôn bán ma túy.


Anh Thư