Sáng 6-8, Bệnh viện Hùng Vương (TP HCM) đã tổ chức lễ khai trương Ngân hàng sữa mẹ tại bệnh viện. Buổi lễ có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM, Chủ tịch HĐND TP HCM, PGS-TS-BS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng lãnh đạo Sở Y tế TP và các bệnh viện.

Tại buổi lễ, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết sữa mẹ không chỉ giúp trẻ lớn nhanh và phát triển toàn diện mà còn tăng cường hệ miễn dịch, nhất là trong giai đoạn hệ thống miễn dịch trẻ chưa hoàn thiện, các kháng thể thụ động từ mẹ truyền sang con trong sữa mẹ sẽ giúp trẻ chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng xung quanh môi trường sống.

PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, phát biểu tại buổi lễ

Tuy nhiên, không phải người mẹ nào cũng có thể cho con bú, các nguyên nhân thường gặp là do mẹ bị bệnh hoặc đang dùng thuốc điều trị ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Đặc biệt, đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao, bao gồm trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi, trẻ nhiễm Covid-19, sữa mẹ sẽ giúp mang lại nguồn dinh dưỡng sẵn có với khả năng cứu sống tốt nhất, là một liều thuốc đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho nhóm trẻ sơ sinh bệnh nặng, chưa thể bú sữa mẹ đẻ đang điều trị tại bệnh viện.

Với qui mô đầu tư gần 6 tỉ đồng, Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương là ngân hàng thứ tư của Việt Nam nhưng với qui mô lớn nhất nước.

“Ngân hàng sữa mẹ sớm hình thành để các cháu bé không phải thiệt thòi. Với công suất thanh trùng 62 lít sữa/ngày, có thể cung cấp được sữa mẹ cho tất cả trẻ sơ sinh non tháng, bệnh lý, trẻ có mẹ bị bệnh nặng không thể thực hiện được nuôi con bằng sữa mẹ. Đặc biệt, dù năng suất cao nhưng nếu không có nguồn hiến tặng sẽ rất khó khăn. Do đó, tôi mong các chị em phụ nữ vừa sinh con cùng chung tay góp sức, cống hiến cho ngân hàng sữa mẹ để chúng ta cùng nhau giảm đi tỉ lệ bệnh tật, cũng như tỉ lệ tử vong của trẻ sơ sinh đặc biệt là các bé bệnh tật, non tháng” – bác sĩ Tuyết chia sẻ.

Công suất thanh trùng sữa tại ngân hàng là 62 lít sữa/ngày

Các bà mẹ có nhu cầu hiến sữa hoặc nhận sữa có thể liên hệ qua số điện thoại: 0918.305.959 (gặp bác sĩ Nga) để được hỗ trợ. 

Quy trình vận hành tại Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương

Tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Hùng Vương, nhiều tháng nay, chị Trần Thị Thanh Nhàn (ngụ Lâm Đồng) sắp xếp công việc của mình và xuống TP HCM thuê phòng trọ, bắt đầu hành trình tặng những giọt sữa mẹ quý giá của mình cho trẻ sơ sinh.

Còn đối với chị Phạm Thị Thu Trang, vì con sinh non nên phải nằm viện liên tục 2 tháng nay để được các bác sĩ chăm sóc và điều trị, sẵn đang có nguồn sữa không sử dụng hết, chị cũng hiến tặng sữa. Hai tháng qua, chị Trang đã hiến tặng được hơn 13 lít sữa. Dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ và điều dưỡng, nguồn sữa được lấy đảm bảo vệ sinh và an toàn cho các bé.

Chị Phạm Thị Thu Trang sử dụng máy hút sữa để hiến tặng sữa mẹ cho ngân hàng

Chị Nhàn nghẹn ngào nói: “Tôi sinh non khi con mới 24 tuần, không giữ được con nhưng tôi hiểu được tầm quan trọng của sữa mẹ với trẻ sơ sinh nên từ Lâm Đồng xuống đây để trao tặng những giọt sữa này cho các con sinh non, thiếu sữa. Từ ngày 8-7 đến nay, tôi đã hiến tặng cho ngân hàng sữa khoảng 13 lít. Đây là những dòng sữa quý giá nên tôi rất tranh thủ sắp xếp thời gian để vắt sữa cho các bé, mỗi khi các chị bên ngân hàng sữa mẹ thông báo đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để lấy sữa, tôi đều qua đó để tặng”.

Chia sẻ về cơ duyên hình thành Ngân hàng sữa mẹ, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết cho biết thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra, lúc đó mỗi ngày bệnh viện có hơn 200 thai phụ trở thành F0. Khi đó, số trẻ sơ sinh được sinh ra từ thai phụ mắc Covid-19 cũng gia tăng, các bé thiệt thòi hơn những đứa trẻ khác, không được về nhà, bởi hầu như tất cả người thân trong gia đình đều là F0. Bên cạnh đó, bệnh viện quá tải khi mỗi ngày có hơn 200 trẻ được sinh ra trong khi năng lực chăm sóc tại đây chỉ là hơn 100 trẻ. Vì vậy, bệnh viện thành lập Trung tâm H.O.P.E để tạm thời nuôi dưỡng trẻ trong khi chờ các bà mẹ âm tính với SARS-CoV-2. Tuy có nhiều chị em phụ nữ tình nguyện làm mẹ, chăm sóc các bé rất kỹ lưỡng nhưng các bé vẫn chịu thiệt thòi khi không có nguồn sữa mẹ.

Ngân hàng sữa mẹ được thành lập ngày thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 7,8-2021, TP HCM đang giãn cách theo Chỉ thị 16 và 16+, việc xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau hơn 9 tháng nỗ lực thì bệnh viện chính thức đưa vào hoạt động sau khi được thẩm định của Sở Y tế.


Tin, ảnh: Hải Yến