“Con gái chị 21 tuổi, học đại học năm 3. Bao lâu nay, sống với ba mẹ không xảy ra vấn đề gì, tự nhiên hôm trước nó nói: “Con lớn rồi, con muốn thuê nhà ở riêng để được tự lập. Con sẽ vừa đi học vừa đi làm để trả tiền thuê nhà và không làm phiền ba mẹ”. Bữa giờ nó nói hoài làm vợ chồng chị ăn ngủ không yên” – chị T.T.X.O (quận Bình Thạnh, TP HCM) thở dài.

Sao phải ra ở riêng?

Chồng chị O. là con một, gia đình nhỏ của chị sống chung với ba mẹ chồng. Bao lâu nay, gia đình 3 thế hệ đó vẫn thuận hòa, êm ấm. Ông bà rất vui khi được nhìn thấy con cháu xung quanh mình. Hơn nữa, đến bây giờ, dù con 21 tuổi, chị vẫn chăm sóc con, từ nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ đến cả việc mỗi khi con ra ngoài thì nhắc đừng quên cái nọ, cái kia, giờ giấc đi – về…

“Thật sự vợ chồng chị chưa bao giờ nghĩ đến chuyện con chưa có gia đình mà đòi ra riêng, vẫn muốn con tập trung học hành để sau này có công việc ổn định hơn là vừa học vừa lo kiếm tiền trang trải cuộc sống. Chị vẫn chưa dám thưa với ông bà…” – chị O. tâm sự.

Những ngày này, Q.T (SN 2001; quận Bình Tân, TP HCM) đang tất bật chuẩn để dọn ra ở riêng. Q.T vừa tốt nghiệp cao đẳng, hiện đang vừa làm vừa học để lấy bằng đại học. “Ba mẹ cũng vì thương yêu, lo lắng cho tôi nhưng sự bao bọc cứng nhắc đó làm tôi cảm thấy cuộc sống của mình ngột ngạt. Tôi quyết định ra ở riêng để được sống có trách nhiệm, độc lập hơn” – Q.T nói.

Q.T cho biết dù ba mẹ vẫn chưa đồng ý nhưng cô vẫn quyết tâm thực hiện dù “bão táp mưa sa” và chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Hiện Q.T đang cố gắng làm thêm nhiều việc, tiết kiệm để “có một khoản kha khá”. Q.T cho biết: “Tôi sẽ chọn những căn hộ nằm ngoài trung tâm thành phố để có mức giá rẻ và tìm người vào ở ghép để san sẻ chi phí thuê nhà”.

Từ khi sinh ra cho đến khi học đại học rồi ra trường đi làm, Nguyễn Vũ Trung Quân (SN 1995; quận 8, TP HCM) đều ở cùng gia đình. Nhận thấy bạn bè có nhiều kỹ năng sống nhờ vào việc rời quê lên TP HCM để học đại học, Quân quyết định ra riêng vào năm 25 tuổi để được trưởng thành và tự lập hơn.

“Do tôi quen nhận được sự hỗ trợ của gia đình nên thời gian đầu ra riêng gặp một số khó khăn trong việc bảo đảm chất lượng cuộc sống của của mình. Tôi phải học cách nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ… Những việc này không khó nhưng để làm tốt và duy trì trong thời gian dài với một người bận rộn thì nó là một thử thách” – Quân chia sẻ.

Sau gần 2 năm ở riêng, Quân nhận xét bản thân có được sự phát triển tích cực: trưởng thành, có kỹ năng xây dựng cuộc sống bảo đảm tốt. “Việc ra riêng cũng giúp tôi có không gian và thời gian riêng để tập trung đầu tư cho công việc mà mình đang theo đuổi. Tuy nhiên, hằng tuần tôi vẫn dành thời gian về thăm gia đình” – Q. kể.

Ra riêng, cần hành trang gì?

Theo ThS Mai Mỹ Hạnh, Phó trưởng Khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP HCM, việc “ra ở riêng” của người trẻ nhìn ở khía cạnh tích cực là cơ hội để rèn tính tự lập, tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, việc sống chung hay sống riêng với gia đình chỉ là sự lựa chọn, quan trọng nhất là người trẻ phải xây dựng lối sống và thái độ sống tích cực.

“Trước khi ra riêng, bạn trẻ cần cân nhắc kỹ về hoàn cảnh hiện tại của gia đình, bản thân; mối quan hệ giữa mình và các thành viên trong gia đình… Lựa chọn của mình không chỉ ảnh hưởng đến tương lai mà còn ảnh hưởng đến bầu không khí, tình cảm gia đình. Vì vậy, bạn trẻ cần cân nhắc kỹ giữa lợi và bất lợi khi ra ở riêng để có quyết định phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình” – Ths Mai Mỹ Hạnh lưu ý.

Bà Hạnh cũng cho rằng bạn trẻ cần chia sẻ để ba mẹ thấu hiểu về lý do, mục tiêu để tránh những mâu thuẫn và sự hiểu lầm với người thân. Sau đó là chuẩn bị về tài chính, công việc và kỹ năng sống. “Vì sống riêng có nghĩa mình phải độc lập và tự chủ với cuộc đời mình, không thể sống riêng mà vẫn nhờ cậy, phụ thuộc quá nhiều vào gia đình” – bà Mỹ Hạnh nói.

Còn theo chuyên gia tâm lý Bùi Quang Minh Nhật, xu hướng “ra ở riêng” của các bạn trẻ khi đến tuổi trưởng thành không lạ ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, với văn hóa Á Đông coi trọng giá trị gia đình thì vẫn cần thời gian để người làm cha mẹ tiếp nhận.

“Mặc dù ba mẹ luôn mong muốn con cái tự lập nhưng cũng không muốn rời vòng tay mình. Còn các bạn trẻ với quan điểm hiện đại, mong muốn làm chủ cuộc sống cùng với đặc trưng tâm lý muốn khẳng định bản thân, khẳng định năng lực nên khao khát được tách rời vòng tay gia đình để trải nghiệm cuộc sống. Điều này không sai, có thể có những tác động tích cực. Tuy nhiên, cần phải thực sự nghiêm túc, suy nghĩ thấu đáo về quyết định này” – ông Minh Nhật nhấn mạnh.

Ông Nhật cũng cho rằng bạn trẻ cần suy nghĩ về mục đích ra ở riêng. Bởi chỉ khi có mục đích rõ ràng, thuyết phục thì họ mới có thể nhận được sự đồng ý từ phụ huynh. 

Lắng nghe con

Về phía phụ huynh, chuyên gia tâm lý Bùi Quang Minh Nhật khuyên cần bình tĩnh trước mong muốn ra riêng của con.

“Phụ huynh cần hiểu rằng việc con ra ở riêng có thể chỉ là câu chuyện “sớm muộn”. Phụ huynh phải là người đánh giá khách quan nhất về sự chín chắn và khả năng tự lập của con ở thời điểm đó để đưa ra quyết định” – ông Minh Nhật nói.

Theo ông Bùi Quang Minh Nhật, lắng nghe con là điều rất cần thiết để hiểu lý do vì sao con lại có quyết định ra riêng. Nếu phụ huynh muốn tạo điều kiện để con trải nghiệm cuộc sống, hãy thống nhất và cho con cam kết những điều con cần phải bảo đảm để tự bảo vệ bản thân, không gây lo lắng cho gia đình. Ngược lại, nếu chưa thể đồng ý mong muốn của con, hãy đưa ra những lý do để con “tâm phục khẩu phục”. Khi mọi thứ đã sẵn sàng hơn, phụ huynh hoàn toàn có thể đồng ý cho con ra ở riêng.


Lê Vĩnh – Anh Vũ