Xung quanh đề xuất này, Báo Người Lao Động có nhiều bài viết phân tích đa chiều và nhận được sự đồng tình của nhiều bạn đọc. Nhiều bạn đọc nhận xét cách đặt vấn đề của bài viết là khách quan, xác đáng, đồng thời cũng đóng góp những ý kiến tâm huyết để hoàn chỉnh Luật BHXH.

Theo bạn đọc Nguyễn Hồng Thanh, có giảm 15 năm thì người lao động họ vẫn rút, thậm chí 10 năm họ vẫn rút vì vấn đề không nằm ở số năm đóng. “Cơ quan soạn thảo luật hãy đặt mình vào vị trí của người lao động” – bạn đọc này tha thiết. Cùng góc nhìn, bạn đọc Phong Nguyễn bày tỏ: “Việc giảm năm đóng chỉ hợp lý với người tham gia BHXH muộn mà thôi. Còn những người tham gia sớm thì quá thiệt thòi. Có khi 45 tuổi đã đủ thời gian đóng BHXH 25 năm nhưng phải đợi hơn 15 năm nữa mới có lương hưu. Ở độ tuổi đó, trong thời gian đó lại rất khó kiếm việc để kiếm sống. Quá bất cập. Vậy nên BHXH cần có phương án phù hợp cho từng đối tượng”.

Bạn đọc Nguyễn Phước Thành nêu thực tế: “Người trực tiếp lao động khoảng 45 tuổi trở lên thì sức khỏe, năng suất lao động đã giảm và sẽ bị người sử dụng lao động tìm cách đào thải. Ai dám mạnh miệng nói doanh nghiệp hứa đảm bảo tạo công ăn việc làm cho người lao động đến khí về hưu. Hãy thử làm thống kê xem nhóm lao động nào phải lãnh BHXH một lần?”.

Một bạn đọc tên Mai viết: “Lao động nhẹ như ngồi văn phòng cũng bị lao tâm, lao lực, thoái hóa đốt sống cổ, đau cột sống viêm dạ dày, viêm đại tràng, rối loạn tiền đình. Đó là thống kê bệnh văn phòng, có thể kiểm chứng các bệnh nhân khám bệnh theo bảo hiểm sẽ rõ. Có thân có bệnh, vậy ai đảm bảo khối làm việc nhẹ thọ tới 60 tuổi để lảnh hưu. Có ai ràng buộc được doanh nghiệp không sa thải người lao động trên 50 tuổi không?”.

Để hoàn thiện chính sách BHXH, một bạn đọc tên Liêm cho rằng Nhà nước nên tính tuổi nghỉ hưu đa tầng cho phù hợp vì thực tế mỗi lĩnh vực làm việc tuổi lao động và tuổi nghỉ hưu cách nhau khá xa nên không thể áp theo độ tuổi cào bằng được. Còn theo bạn đọc Lương Ngọc Hồi, góp ý: “Theo tôi, tuổi nghỉ hưu với nam vẫn giữ nguyên 60, nữ thì 55 là hợp lý. Còn thời gian đóng BHXH thì 15 năm được hưởng hưu. Bên cạnh đó, áp dụng cách tính lương hưu với NLĐ do chủ doanh nghiệp trả lương là 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu, vì tính mức bình quân trong cả quá trình đóng của NLĐ rồi chia bình quân như hiện nay là quá thiệt thòi và không công bằng với NLĐ làm việc cho khối FDI”.

Theo bạn đọc La Thanh Quang, nên để người lao động quyết định nghỉ hay làm tiếp khi đã đóng đủ. Ví dụ khi đã đóng đủ 30 năm bảo hiểm đối với cả nam và nữ khi đó người nào sức khỏe tốt thì đi làm tiếp, sức khỏe yếu thì nghỉ vì mình đã đóng đủ thời gian theo qui định …..để đảm bảo chất lượng công việc thì chỉ nên qui định, thời gian làm việc không được vượt quá 65 tuổi là ổn Được như vậy thì người lao động cũng thoải mái vì nghỉ hay không do mình quyết định khi đã đóng đủ năm.

Với bạn đọc tên Thịnh, chỉ có giảm tuổi về hưu và tính lương bình quân đóng BHXH cho công bằng, như nhau, giữa người lao động làm việc hưởng lương từ Ngân sách nhà nước và người làm việc trong các thành phần kinh tế khác thì việc rút BHXH một lần sẽ giảm.Còn với bạn đọc tên Bùi, nên giảm tuổi lao động để được nghỉ hưu là hợp Lý ví dụ như từ cứ từ đủ 50 tuổi trở lên đối với cả nam và cả nữ mà đã đóng đủ 20 BHXH nếu nghỉ trước tuổi thì nên cho họ làm thủ tục nghỉ chế độ hưu trí là phù hợp. Theo bạn đọc Nguyễn Tùng, tiền của NLĐ thì để họ tự quyết, còn nếu muốn NLĐ không rút thì nên có chính sách hợp lý.

Không nên bó buộc tuổi nghỉ hưu

Theo nhiều bạn đọc, chỉ có giảm tuổi về hưu và tính lương bình quân đóng BHXH cho công bằng, như nhau , giữa người lao động làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước NSNN và người làm việc trong các thành phần kinh tế khác thì việc rút BHXH một lần sẽ giảm. Bạn đọc Nguyễn Đức Phương Tuấn đề xuất: “Nên giảm tuổi nghỉ hưu xuống như trước đây Nam 60 tuổi nữ 55 tuổi đối với người lao động trong và ngoài nước nước và nam trên 55 tuổi nữ 53 tuổi đóng bảo hiểm xã hội liên tục 20 năm (bắt buộc) trở lên thì ai có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi thì nên giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi. Một bạn đọc tên Hà bày tỏ: “Chúng tôi không cần hạ năm đóng mà cái chúng tôi cần là đóng đủ năm quy định để hưởng, không bó buộc tuổi nghỉ hưu; có như vậy người lao động mới có cơ sở và sự lựa chọn cách đóng và năm nghỉ hưu cho cá nhân.


Bài và ảnh: An Chi