Ngày Doanh nhân Việt Nam năm ngoái (13-10-2021), cả nước vừa mở cửa trở lại, cộng đồng doanh nghiệp (DN) ngổn ngang trăm mối lo toan, vừa dần khôi phục sản xuất – kinh doanh vừa phòng chống dịch COVD-19 còn diễn biến phức tạp. Năm nay, ngày Doanh nhân Việt Nam ý nghĩa hơn khi kinh tế đã và đang hồi phục tích cực, tăng trưởng GDP ấn tượng với 13,67% trong quý III. Tuy vậy, vẫn còn nhiều tồn tại cần tiếp tục tháo gỡ để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho DN hồi phục hoàn toàn và bứt phá.

Giảm thêm các loại thuế, phí

Cộng đồng DN mong muốn nhà nước tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý về đầu tư – kinh doanh. Thời gian qua, nhiều DN còn phản ánh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa một số văn bản pháp luật đã tạo ra điểm nghẽn.

Đây là cơ hội tốt để nhìn nhận, đánh giá lại và sửa đổi hệ thống pháp luật kinh doanh một cách tổng thể, bao gồm Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Quy trình xây dựng các dự thảo luật sửa đổi cần tham vấn rộng rãi ý kiến người dân, DN; tiếp thu ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, tạo niềm tin cho cộng đồng.

Tiếp theo, cần có giải pháp tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho DN thông qua giảm thuế, phí và các chi phí khác. Trong bối cảnh hiện nay, nên ưu tiên giảm thuế GTGT đối với xăng dầu và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng; tiếp tục nghiên cứu giảm thuế suất ưu đãi thuế nhập khẩu xăng; xem xét các phương án giảm giá điện thay vì đề xuất tăng thêm…

Quan trọng không kém là nâng cao hiệu quả triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch COVID-19 cho DN. Theo phản ánh của DN, địa phương, các gói hỗ trợ đã được triển khai nhưng tốc độ giải ngân vẫn còn thấp do vướng mắc về thủ tục.

Đặc biệt, việc DN khó tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho thấy các điều kiện để vay vốn dường như còn khắt khe hoặc không khả thi, nhất là với DN nhỏ và siêu nhỏ. Tình trạng này đòi hỏi cần tháo gỡ theo hướng bãi bỏ điều kiện không phù hợp, tạo cơ chế mở, thuận lợi hơn cho DN.

Song song đó, tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính có tác động lớn đến DN và còn nhiều phiền hà, như: đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy chữa cháy, môi trường…

Đồng thời, nâng cao hơn nữa hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền các cấp. Trong đó, lưu ý đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu; kịp thời động viên, khen thưởng những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chủ động đổi mới sáng tạo…

Không chỉ đưa hàm lượng công nghệ vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi mô hình theo hướng thông minh, hiện đạiẢNH: BÌNH AN

Kinh tế số đóng vai trò nền tảng

Bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư (4.0) cùng những yêu cầu mới phát sinh từ sau giai đoạn dịch COVID-19 đòi hỏi nền kinh tế cần có sự thích ứng, chuyển mình phù hợp. Lề lối vận hành, quản trị cũ cần được thay thế bằng cách mới với sự hỗ trợ của những giải pháp công nghệ hiện đại để tiết giảm chi phí, gia tăng hiệu quả. Toàn bộ nền kinh tế cần chuyển đổi sang mô hình số với lộ trình, bước đi phù hợp.

Cần lưu ý chuyển đổi số, kinh tế số không đơn thuần chỉ là đưa công nghệ thông tin hay công cụ trực tuyến vào hoạt động sản xuất – kinh doanh. Bản chất của chuyển đổi số, kinh tế số là sự thay đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất theo hướng tự động, thông minh.

Nếu đưa công nghệ vào một mô hình sản xuất – kinh doanh cũ với nguồn nhân lực không đáp ứng yêu cầu sẽ không đạt hiệu quả mong muốn. Bên cạnh đó, cải thiện chất lượng xây dựng pháp luật liên quan đến những vấn đề mới, vấn đề của xã hội số, kinh tế số… cũng là điều kiện quan trọng giúp DN có hành lang pháp lý để thực hiện.

Chính phủ cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của những mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới sáng tạo; có cơ chế phù hợp khuyến khích DN đầu tư vào hoạt động đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Cần thiết ban hành luật riêng về kinh tế tuần hoàn gắn với các hoạt động đổi mới sáng tạo, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế bền vững.

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thời đại kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Ông PHẠM HUY BÌNH, Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group):

Mong đợi thị trường quốc tế hồi phục

Tình hình kinh doanh 9 tháng đầu năm nay cho chúng tôi kỳ vọng về sự phục hồi sau 2 năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp với quá nhiều khó khăn, sóng gió, thậm chí có thể nói là một cơn ác mộng. Đối diện với bão lớn, DN, doanh nhân đã rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm đắt giá. Trong đó, xây dựng và chủ động với bộ quy tắc xử lý khủng hoảng là điều mỗi DN và rộng hơn là mỗi đơn vị, mỗi cấp quản lý ở tầm vĩ mô cần phải làm.

Những chuyển biến tích cực của thị trường nội địa đang góp phần vực dậy ngành du lịch TP HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Saigontourist Group cũng đạt nhiều kết quả khả quan khi tình hình kinh doanh có thời điểm bằng trên 50% so với thời kỳ vàng năm 2019. Tuy nhiên, các khách sạn quốc tế tại trung tâm TP HCM và công ty lữ hành chuyên thị trường khách quốc tế vẫn mong đợi sự hồi phục từ thị trường này.

Để du lịch hồi phục như năm 2019 và tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đưa ra những chính sách hỗ trợ thiết thực, chẳng hạn chính sách thuế, nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Bà NGUYỄN THỊ THẢO NGUYÊN, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát:

Sản xuất, quản trị theo hướng thông minh

Từ đầu năm 2021 Tập đoàn Hòa Phát đã bắt đầu triển khai lộ trình chuyển đổi số theo chiều sâu, xuyên suốt, tinh gọn, thông minh hơn với mục tiêu tạo giá trị mới trong chuỗi cung ứng và nâng cao lợi nhuận. Lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của chúng tôi bao gồm đầu tư 30 hạng mục hạ tầng, bảo mật và vận hành 9 hạng mục ứng dụng và dữ liệu, tập trung ưu tiên 3 lĩnh vực: nhà máy thông minh, văn phòng điện tử và quản trị nhân sự.

Trước đó, đầu năm 2019, chúng tôi đã thử nghiệm giải pháp ERP-SAP tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Với giải pháp hiện có, công ty này có hệ thống quản trị chuẩn quốc tế, giúp nâng cao năng lực quản trị, tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Sau 2 năm triển khai, giải pháp báo cáo thông minh đã được đưa vào vận hành với dữ liệu kết nối tập trung, dễ dàng xây dựng các báo cáo quản trị (KPIs) đa chiều. Về mặt quản trị, tập đoàn đã ứng dụng một số phần mềm văn phòng điện tử và bộ công cụ Microsoft Office 365. Thông qua văn phòng điện tử, các nhân sự quan sát, tương tác được với nhau, hạn chế trao đổi trực tiếp, kiểm soát được hoạt động giao việc và báo cáo tiến độ công việc, xử lý các vấn đề phát sinh kịp thời.

Quy mô nhân sự toàn tập đoàn hiện lên đến 30.000 người nên việc áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực quản trị nhân sự và nâng cao năng lực nguồn lao động là một trong những ưu tiên trong lộ trình chuyển đổi số của chúng tôi.

Ông NGUYỄN ANH ĐỨC, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op):

Cần hỗ trợ để đẩy nhanh số hóa

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước 9 tháng đầu năm ước tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy hoạt động thương mại, dịch vụ đang phục hồi và phát triển tích cực.

Năm 2022, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài và chuyển dịch cơ cấu bán lẻ từ truyền thống sang hiện đại. Có thể thấy sau dịch COVID-19, thị trường bán lẻ phục hồi nhưng có những thay đổi về cấu trúc và cục diện. Tâm lý và xu hướng tiêu dùng thay đổi; tính trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường trở thành xu thế của thời đại, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và gây dựng niềm tin của khách hàng.

Trong bối cảnh chỉ số niềm tin của người tiêu dùng có phần sụt giảm, DN bán lẻ không ồ ạt đầu tư phát triển hệ thống mà tập trung củng cố nội lực, đầu tư vào những lĩnh vực cốt lõi nhằm tạo nền tảng cho tương lai. Trong đó, trọng tâm là đầu tư số hóa – điện toán hóa, chấn chỉnh các hoạt động, đầu tư kho bãi – logistics, chú trọng thương mại điện tử…

Ngay trong dịch COVID-19, DN bán lẻ đã đẩy nhanh tiến độ “online hóa”, số hóa để linh hoạt phục vụ khách hàng. Đây là công việc dễ nhất trong số hóa ngành bán lẻ. Với phần khó nhất là đồng bộ hóa, các DN còn gặp nhiều khó khăn, nhất là với lĩnh vực bán lẻ khi mỗi ngày giao dịch với với hàng ngàn nhà cung cấp, hàng triệu khách hàng. DN rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước với những chính sách đồng bộ, tổng thể.

Bà NGUYỄN THỊ NGA, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG

Gia nhập sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu

Đại dịch COVID-19 là phép thử đối với sức bền của DN và sự đúng đắn của con đường mà họ đang lựa chọn. Giống mọi DN khác, Tập đoàn BRG cũng phải trải qua một giai đoạn đầy khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, với định hướng phát triển bền vững, tập đoàn đã tự tạo ra “kháng thể” trước đại dịch, duy trì ổn định hoạt động và có tăng trưởng, hỗ trợ đắc lực cho phòng chống dịch và an sinh xã hội.

Những cú “bắt tay” đình đám của Tập đoàn BRG với các tên tuổi lớn trên thế giới trong lĩnh vực dịch vụ đã nhanh chóng đưa chuẩn mực của thế giới tới cho người tiêu dùng ngay tại Việt Nam. Chúng tôi cũng liên doanh với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) phát triển Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới gần 4,2 tỉ USD. Chuỗi siêu thị FujiMart với khẩu hiệu “Tươi ngon mỗi ngày” được sự đón nhận đầy tích cực của người tiêu dùng, là động lực to lớn để liên doanh BRG – Sumitomo ký kết hợp tác mở rộng chuỗi siêu thị FujiMart lên thành 50 cửa hàng tại các thị trường lớn trên cả nước vào năm 2028.

Hơn 30 năm qua, bằng sự bền bỉ, bằng khát khao được cống hiến, Tập đoàn BRG đang từng ngày lớn mạnh cùng sự phát triển của đất nước. Tập đoàn nói riêng và cộng đồng DN Việt Nam nói chung luôn mong muốn gia nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng tôi sẽ phấn đấu hơn nữa, phấn đấu hết sức mình, vượt mọi gian khó để đóng góp cho đất nước, với mong muốn đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển và có bản sắc trên sân chơi toàn cầu.

Ông PHẠM VĂN VIỆT, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean

Hướng đến “xanh hóa”

Trong giai đoạn hiện nay, DN thuộc tất cả các ngành buộc phải tái cấu trúc, ứng dụng công nghệ từ quản trị đến sản xuất, dịch vụ và tích hợp với ngân hàng cùng hệ thống chính quyền. Nếu vẫn làm theo cách cũ, DN sẽ rất khó tồn tại trong tương lai gần.

Bản thân Công ty TNHH Việt Thắng Jean đã thực hiện đổi mới từ năm 2012, đến năm 2016 cơ bản thành công và đến nay đã hoàn tất đổi mới công nghệ. Chúng tôi đang tiếp tục tái cấu trúc và hoàn chỉnh bộ máy quản trị để phù hợp với những công nghệ mới, ứng dụng các phần mềm mới và cập nhật liên tục 6 tháng/lần để có thể cạnh tranh về chất lượng lẫn giá cả, thích nghi được với bối cảnh thị trường hiện nay.

Trong lĩnh vực thời trang, trước đây, DN mất 6 tháng đến 1 năm để thiết kế mẫu nhưng hiện giờ, với sự trợ giúp của công nghệ, chỉ mất khoảng 2-3 tháng; sau đó DN chuyển thiết kế đó sang các đơn vị phân phối/đặt hàng, trong vòng 1 tuần có thể giao sản phẩm. So với cách làm cũ, việc ứng dụng công nghệ vào quản trị và tất cả các khâu thiết kế, sản xuất… giúp DN tiết kiệm đến 70% chi phí. Tuy nhiên, DN phải chấp nhận chi phí đầu tư cao và cải thiện năng lực nhân sự để vận hành công nghệ.

Có thể thấy áp lực chuyển đổi số của DN trước tiên xuất phát từ nhu cầu thay đổi để tồn tại bởi khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm, cải tiến sản xuất để có giá cạnh tranh hơn. DN không chuyển đổi thì không thể tồn tại bởi không đáp ứng được giá cả lẫn chất lượng như mong muốn của khách hàng. Đặc biệt, khách hàng châu Âu đòi hỏi DN xuất khẩu cho phép họ giám sát quá trình sản xuất thông qua những thông tin, dữ liệu được số hoá. Theo lộ trình, đến hết năm 2023, DN chưa “xanh hoá” sẽ không đủ điều kiện xuất khẩu vào châu Âu.

Trước thực tế này, rất cần nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi, đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ cao lẫn nguồn lực con người để tạo ra những sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Cùng với đó là tạo môi trường thông thoáng cho DN tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất. Sau 2 năm COVID-19, DN bị thiệt hại lớn do tồn kho nguyên liệu, hàng hóa rất nhiều. Từ đầu năm 2022 đến nay từng bước khôi phục. Sắp tới, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục siết tín dụng, khả năng một số DN khó cầm cự được.

Ông TRẦN ANH TUẤN, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu:

Vào cuộc chuyển đổi số

Tại phiên họp mới đây của Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển và được xác định là yêu cầu bắt buộc. Theo đó, chuyển đổi số là chủ trương, định hướng lớn của Đảng và nhà nước. Vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả và thực chất, có trọng tâm, trọng điểm.

Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt năm 2020, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia số. Trong đó, mục tiêu chuyển đổi số cho DN đóng vai trò vô cùng quan trọng. Các DN Việt Nam cần phải tự tạo ra sức bật phát triển với cốt lõi là số hóa trên mọi phương diện.

Từ thực tiễn triển khai, vấn đề lớn hiện nay là các bộ, ngành, địa phương phải ngồi lại để thống nhất xây dựng các quy định cần thiết, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong. Đơn cử, cần thống nhất quy định liên quan đến việc sử dụng căn cước công dân có gắn chip thay thế cho chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. Lý do là hiện nay khi công dân, DN khi làm giấy tờ, dù có căn cước công dân và có thể quét mã QR để kiểm tra thông tin nhưng vẫn bị đơn vị tiếp nhận yêu cầu có giấy xác nhận chuyển đổi từ chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… Điều này vừa không cần thiết vừa lãng phí thời gian của công dân, DN. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cho các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân, tham gia vào các đề án chuyển đổi số của địa phương để tạo thị trường cạnh tranh và tiếp thêm động lực cho DN phát triển.

Cần có giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn, giúp DN thay đổi nhận thức song song với hỗ trợ về tài chính thông qua các chương trình cho vay ưu đãi cho DN. Tương tự, cần có nguồn vốn vay ưu đãi cho những DN cung cấp dịch vụ công nghệ, giúp DN có chi phí đầu tư hệ thống, nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ tốt nhất để phục vụ khách hàng. Thực tế, DN lĩnh vực cung cấp dịch vụ công nghệ rất khó vay vốn trung và dài hạn vì tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay là sản phẩm công nghệ có vòng đời ngắn, trượt giá nhanh.

Thanh Nhân – Thái Phương – Phương Nhung ghi


Tiến sĩ VŨ TIẾN LỘC