Trước làn sóng điểm số học tập ở trường THPT tăng vọt và học bạ “đẹp như mơ”, dư luận một lần nữa hoài nghi trước chất lượng giáo dục đang bị đẩy đi quá xa. Dẫu đầu tư học hành và ôn luyện đến đâu, cũng khó đạt điểm 10 tuyệt đối ở tất cả các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ. Không chút sai sót kiến thức. Không một lần sơ sẩy mắc lỗi.

Điểm số cao, hẳn nhiên là niềm vui bởi thế hệ trẻ toàn tài, xuất sắc, hoàn mỹ sẽ bước chân vào giảng đường. Nhưng “quả ngọt” từ giáo dục có thật sự giải cơn khát nhân tài của đất nước? Hay những nỗi lo mới sẽ nhen nhóm, nối dài và dai dẳng trong tương lai gần?

Thực học và thực tài là khát vọng lớn lao được Thủ tướng Chính phủ gửi gắm cho ngành giáo dục. Thế nhưng, dường như chủ trương tốt đẹp này đang vướng quá nhiều thách thức từ căn bệnh thành tích ăn sâu mọc rễ từ lâu trong môi trường giáo dục; từ tâm lý sính bằng cấp và cuồng danh hiệu trong tiềm thức phụ huynh; từ nỗ lực ngăn bệnh thành tích thiếu sự kết nối của cả hệ thống giáo dục.

Nên cuối năm học vẫn ngập tràn báo cáo thành tích lung linh những con số về tỉ lệ khá giỏi, vẫn rộn ràng khoe giấy khen cùng danh hiệu trên mạng xã hội, vẫn nhan nhản những học bạ “đẹp như mơ” xét tuyển đầu cấp và xét tuyển đại học… Ngành giáo dục dẫu tổ chức hàng loạt “trận đánh” lớn nhằm quét sạch bệnh thành tích nhưng dường như mọi nỗ lực vẫn chỉ chạm vào cành lá chứ chưa bật gốc được nạn nâng khống điểm số, tô hồng thành tích, đánh tráo danh hiệu.

Sự giả dối nào cũng đánh đổi bằng cái giá rất đắt. Sự giả dối trong môi trường giáo dục lại càng nguy hiểm khôn lường. Điểm số ảo, thành tích giả, học bạ được “làm đẹp” khác nào cơn sóng ngầm đảo lộn giá trị thật – ảo, cuốn bay mục tiêu tốt đẹp của thi đua. 

Nhiều người hay bao biện rằng “làm đẹp” học bạ chính là sự thấu hiểu công lao cha mẹ nuôi con 12 năm đèn sách vất vả; là cách thể hiện tình thương yêu với lứa học trò mình đã gắn kết và dạy dỗ qua ngày qua tháng; là trao cho trò cơ hội lớn hơn để bước chân vào cổng trường đại học mơ ước.

Rồi khi trẻ nhận thành tích không phải do chính mình nỗ lực, lấy “vòng nguyệt quế” chẳng phải của mình quàng lên đầu, thản nhiên tiến bước vào giảng đường đại học, biết đâu con đường lập thân lập nghiệp lại len lỏi sự giả dối và ngập tràn bi kịch…

Sự giả dối phải ngăn chặn từ gốc. Từ quá trình dạy học ở nhà trường phổ thông phải quán triệt chủ trương “Học thật, thi thật, nhân tài thật”. Hãy chấp nhận những bản báo cáo thành tích không lung linh, chấp nhận học bạ trần trụi phản ánh thực lực của học sinh để bổ khuyết, trui rèn mới mong cống hiến cho xã hội những nhân tài thật, góp phần xây dựng, phát triển đất nước.


Trang Nguyễn