Dành một cuối tuần nói không với smartphone và internet, Trần Quỳnh Bảo Ngân (18 tuổi; ngụ quận Tân Phú, TP HCM) và bạn bè rủ nhau đến Bảo tàng Mỹ thuật (quận 1, TP HCM).

Chuyến phiêu lưu của cảm xúc

Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đang trưng bày, bảo quản các tác phẩm hội họa, điêu khắc, cổ vật có giá trị nghệ thuật cao. Cách bài trí tác phẩm và ánh sáng dịu nhẹ đặc trưng lôi cuốn người xem như những chú đom đóm dẫn lối vào một thế giới khác, tách biệt ồn ào phố thị.

Nhóm bạn để mặc la bàn cảm xúc dẫn dắt qua từng thời kỳ phát triển của nền hội họa nước nhà. Những tác phẩm cổ, đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống và mỹ thuật đương đại, các bộ sưu tập quý như Ký họa kháng chiến, danh tác của các họa sĩ trường Đông Dương, Gia Định; những bức sơn mài đồ sộ, tường sơn vàng, cầu thang xoắn ốc, từng ô kính thâm trầm trong ngôi biệt thự trăm cửa năm xưa của đại gia Hứa Bổn Hòa đều có sức hút và tạo gợi mở riêng.

Bảo tàng vẫn là ẩn số chứa đựng nhiều giá trị thú vị chờ được bạn trẻ khám phá

Bảo Ngân kể: “Qua quan sát, tôi học thêm được một số điểm nổi bật của tranh Việt qua từng giai đoạn. Đặc biệt, tôi ấn tượng với tranh sơn dầu, rất hợp kiến trúc và không khí hoài cổ của bảo tàng này. Đây là hành trình xuyên không gian và thời gian khi đôi chân mải miết không biết mệt và đôi mắt mở to như bị hút chặt, nhìn sâu vào từng sắc màu, đường nét”.

Huỳnh Dương Phương Vy (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) không thể rời mắt khỏi bức tranh “Vệ nữ buồn” đầy hơi thở hiện đại của họa sĩ Nguyễn Sơn. Bức tranh gam màu lạnh song thấp thoáng sức nóng của lửa từ mái tóc vệ nữ. Bức tranh nằm trong một gian nhỏ, khiêm tốn, trầm mặc, toát lên vẻ tịch mịch từ phối cảnh cho đến chi tiết trên thân nàng.

Nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ

Đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (quận 3, TP HCM) là trải nghiệm đáng nhớ khác. Đây là nơi tôn vinh, giữ gìn, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Ngay sân bảo tàng là tượng đài “Mẹ miền Nam” với dòng chữ “Anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang”. Bên trong, bảo tàng quản lý hơn 44.000 hiện vật và tài liệu khoa học với phân nửa là hiện vật loại hình chiến tranh cách mạng, còn lại là hiện vật văn hóa. Tất cả được chia thành các bộ sưu tập theo chủ đề hoặc chất liệu. Các bạn trẻ thấy thấm thía tinh thần dân tộc, cảm phục những người bà, người mẹ, người chị, người con luôn đong đầy yêu thương và giàu bản lĩnh trong ngôi nhà nhỏ là gia đình, trong ngôi nhà lớn là Tổ quốc.

Đáng chú ý, có phần trưng bày những chiếc áo dài, đủ mọi chất liệu, kiểu dáng và màu sắc, gắn liền với sự duyên dáng, nét đẹp thuần khiết và thanh lịch của phụ nữ Việt Nam. Bảo tàng cũng từng nhận món quà đặc biệt từ Hoa hậu Hòa bình thế giới 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên là 4 bộ trang phục cô mặc khi dự thi ở đấu trường sắc đẹp quốc tế.

Với Bảo Ngân, đây là chuyến đi ý nghĩa khi ít lâu nữa, cô gái gen Z sẽ lên đường làm du học sinh tại Đại học Melbourne (Úc). Ngân tâm sự: “Vui vì trước khi tạm biệt quê hương, tôi kịp khám phá những nơi này, tích lũy thêm báu vật tri thức và cảm xúc – vốn luôn ở đó nhưng trước giờ mình chưa để ý… Những người trẻ năng động khao khát đi xa, hành trang càng vững chãi khi có hiểu biết và tri ân nguồn cội”. Các bạn của Ngân cũng xúc động, cho rằng những giờ lắng đọng trong các bảo tàng là lúc nuôi dưỡng sự rung cảm với cái đẹp và càng trân quý những giá trị đậm tính nhân văn của dân tộc. 


Bài và ảnh: Phạm Trương Ngọc Di