Làng đá mỹ nghệ Non Nước hiện có hơn 20 doanh nghiệp, 370 cơ sở sản xuất kinh doanh lớn, nhỏ với khoảng 1.500 lao động. Mỗi năm, làng nghề sản xuất trên 80.000 sản phẩm các loại, có giá trị thẩm mỹ và giá trị kinh tế cao nhưng đang loay hoay cho chiến lược phát triển bền vững.

Nhiều vướng mắc

Làng đá mỹ nghệ Non Nước có diện tích khoảng 35 ha, bắt đầu hoạt động từ năm 2017. Trước đây, làng nghề nằm rải rác trong khu dân cư, sau đó được chính quyền quy hoạch, đầu tư hạ tầng, trạm xử lý nước thải và bố trí các cơ sở điêu khắc vào sản xuất tập trung và xây dựng trạm xử lý nước thải.

Làng đá vẫn chưa xử lý dứt điểm bụi đá, nước thải khiến việc tổ chức hoạt động trải nghiệm gặp nhiều khó khăn

Nói về vướng mắc, ông Lê Minh Quang, chủ một cơ sở chuyên tạc tượng Phật, cho hay vì làng nghề được quy hoạch phân lô nhưng vì khu dân cư nên nảy sinh bất cập hạ tầng khi phục vụ sản xuất. Theo ông Quang, các cơ sở sản xuất cần mặt bằng rộng, trong khi các lô quy hoạch về chiều dài không cần thiết nhưng lại hẹp bề ngang nên bất tiện cho việc chế tác, điêu khắc và vận chuyển đá với khổ lớn.

Tuy nhiên, điều làm ông Quang lo lắng nhất chính là khâu tiêu thụ. Dù cơ sở tồn tại hơn 20 năm qua nhưng ông chỉ chủ yếu nhận đơn qua khách xem trực tiếp hoặc qua giới thiệu từ các “mối” làm ăn. Thời điểm dịch Covid-19, ông mới lập một trang Facebook cho cơ sở nhà, song lượt tương tác và tiếp cận đến khách hàng vẫn không bõ bèn. “Các cơ sở đang cần được tập huấn, hỗ trợ về mặt truyền thông để bán hàng tốt hơn. Mình làm truyền thông tốt thì sản phẩm mới có thương hiệu, không bị đánh đồng với hàng trôi nổi ngoài thị trường” – ông Quang mong mỏi.

Làng nghề vẫn đang thiếu nhân lực. Theo một chủ cơ sở chuyên chế tác tượng danh nhân, mức thu nhập trung bình 10 – 20 triệu đồng/tháng vẫn chưa đủ để hấp dẫn lao động trẻ làm việc.

Bà Phan Quỳnh Hương, Giám đốc Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng, cho biết nghề đá mỹ nghệ rất cần lao động thạo nghề. Để cho ra đời một sản phẩm đá mỹ nghệ chất lượng, nghệ nhân phải có ít nhất 3 – 5 năm học việc. “Đây là công việc vất vả khi phải phơi mình dưới nắng nóng, nhiều nguy cơ bệnh tật do tiếp xúc thường xuyên với bụi, bột đá trong khi đầu ra cho sản phẩm vẫn còn bấp bênh. Đó là những rào cản lớn khiến nhiều người trẻ không còn mặn mà với nghề đẽo đá” – bà Hương chia sẻ.

Làng nghề cần gắn chặt với khu du lịch

Theo tìm hiểu, năm 2019, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án mở rộng làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước nhằm tạo điều kiện phát triển nghề và làng nghề kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc và bảo vệ môi trường sinh thái. Trong quy hoạch, có nhiều điều chỉnh chi tiết nhằm quảng bá, thúc đẩy khâu tiêu thụ sản phẩm tại làng nghề. Tuy nhiên, sau dịch Covid-19, thực tế cho thấy cấp quản lý cần quyết liệt hơn nữa để vực dậy làng nghề.

Làng đá mỹ nghệ Non Nước đang loay hoay tìm kênh bán hàng và xây dựng thương hiệu một cách bài bản

Trước các thách thức trên, ông Mai Niên, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn, nhận định cần có những quy hoạch, thay đổi trong việc quảng bá văn hóa địa phương đến với du khách. Vậy nên, UBND quận đã quy hoạch các khu trưng bày sản phẩm có quy mô lớn, được đầu tư bài bản, khang trang dọc theo tuyến đường Trường Sa để vừa kinh doanh cũng như quảng bá sản phẩm đến với du khách. Để bảo đảm chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề, UBND quận đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Đá mỹ nghệ Non Nước” vào năm 2011, đồng thời thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương tạo điều kiện cho các cơ sở tham gia các chương trình xúc tiến và khuyến công. Ông Niên cũng cho biết thêm là địa phương đã, đang thúc đẩy việc truyền nghề truyền thống bằng cách thành lập Hội Làng nghề – nơi quy tụ các nghệ nhân, thợ sản xuất đá mỹ nghệ để người mới học nghề học hỏi kinh nghiệm. Đến nay, UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp các ngành tổ chức nhiều lớp đào tạo, nâng cao tay nghề cho thợ thủ công làng nghề; hướng dẫn, tổ chức triển khai đăng ký các cuộc thi tay nghề quốc gia, nâng tầm tay nghề thợ thủ công…

Ngoài ra, Ngũ Hành Sơn hằng năm có tổ chức lễ Thạch nghệ Tổ sư (Tổ sư làng nghề đá) vào ngày 16 tháng 3 âm lịch theo truyền thống. Những năm gần đây, lễ Thạch nghệ Tổ sư được quận nâng tầm, tổ chức quy mô lớn hơn, nhằm tạo không gian văn hóa truyền thống cho làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ cũng như quảng bá văn hóa đặc sắc của địa phương.

“Để phục vụ tốt khách hàng, địa phương cũng thường xuyên kiểm tra công tác văn minh thương mại, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết để góp phần ổn định tiêu thụ sản phẩm làng nghề” – ông Mai Niên cho hay. 

Cần quan tâm “sân chơi” cho nghệ nhân điêu khắc

Bà Phan Quỳnh Hương cho biết Quỹ Điêu khắc Đà Nẵng được thành lập từ sự kế thừa thành quả của dự án điêu khắc Đà Nẵng trước đây do Chính phủ Na Uy tài trợ nhằm đào tạo thợ điêu khắc và hỗ trợ các hoạt động mỹ thuật của Đà Nẵng.

Tuy nhiên, đơn vị đang phải tự tạo nguồn thu để trang trải kinh phí hoạt động và làm các chương trình mỹ thuật của thành phố. Thiếu hụt kinh phí khiến quỹ khó hoàn thành vai trò đào tạo thợ điêu khắc và hỗ trợ các hoạt động mỹ thuật của Đà Nẵng. Bà Hương mong muốn Đà Nẵng quan tâm hơn đến hoạt động điêu khắc của thành phố, tạo nhiều hoạt động để các nghệ nhân có cơ hội cống hiến.


Bài và ảnh: HẢI ĐỊNH