Dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số, hướng đến sự phát triển bền vững. Dự báo xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành một lực đẩy cần thiết để quá trình số hóa và công khai dữ liệu nhà ở xã hội tại TP HCM được xử lý mạnh mẽ và triệt để.

Chưa có ứng dụng, công nghệ nhà ở xã hội

Xu thế áp dụng khoa học – công nghệ trong thị trường bất động sản không phải là chuyện xa lạ. Có thể kể nhanh ra nhiều ứng dụng chuyên về bất động sản như Landber.com, Nhadat24h.net, Homedy.com, Bannhanh.com.vn, Nhadat.net… Ứng dụng công nghệ trong bất động sản (proptech) đang nở rộ theo dòng tăng trưởng của thị trường, mang lại cho ngành bất động sản nhiều cơ hội. Thông qua các ứng dụng công nghệ này, các chủ đầu tư cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, bảo đảm sự an toàn, đưa ra nhiều lựa chọn cho khách hàng.

Hiện nay, nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản lớn đã và đang đầu tư mạnh cho các trang giao dịch trực tuyến, các ứng dụng công nghệ tích hợp đa nền tảng nhằm kết nối trực tiếp giữa chủ đầu tư và khách hàng trên nền tảng online. Từ sau năm 2015 đến nay, thị trường đã đón nhận hàng chục thương vụ đầu tư lớn vào lĩnh vực công nghệ bất động sản. Trong đó có đầy đủ “Nền tảng quản lý tài sản – bất động sản, nền tảng bán hàng và nền tảng định hướng đầu tư fintech khai thác bất động sản”.

Giá trị thực tiễn của việc áp dụng công nghệ vào thị trường bất động sản là hiển nhiên, các công nghệ 4.0 trong lĩnh vực nhà đất đã trở thành xu hướng của toàn cầu. Thế nhưng, nếu là một người có nhu cầu và đủ điều kiện để tìm hiểu về nhà ở xã hội thì lại không thể vì đến nay vẫn chưa có ứng dụng hay tiện ích này.

Nhu cầu, mong muốn tìm hiểu về nhà ở xã hội ở TP HCM rất lớn. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Xây dựng kho dữ liệu công khai, minh bạch

Phải thẳng thắn thừa nhận công nghệ Việt Nam đi sau nên vẫn còn khá non trẻ. Nếu không muốn tụt hậu, việc ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn là xu thế tất yếu. Trong rất nhiều lĩnh vực mà thành phố, các ban, ngành cần số hóa, cần công khai dữ liệu thì nhà ở xã hội là điều mà người thu nhập thấp rất mong mỏi.

Với dân số đứng đầu cả nước, số lượng công nhân và người thu nhập thấp ở TP HCM chiếm một tỉ trọng lớn. Thành ra nhu cầu, mong muốn tìm hiểu về nhà ở xã hội ở TP HCM cũng rất lớn. Công nhân, người thu nhập thấp muốn có một ứng dụng riêng về nhà ở xã hội, nơi mà ai cũng có thể truy cập để được tham vấn về đối tượng được hưởng, các quy trình thủ tục, cũng như nắm bắt thông tin về đất đai, các dự án được cấp phép, xây dựng… Việc “đói” thông tin chính thức và minh bạch về các dự án nhà ở xã hội khiến giấc mơ an cư lạc nghiệp của nhiều người trở nên xa vời hơn.

Số hóa quốc gia về quản lý và các giao dịch đất đai giúp cho việc kiểm soát của cơ quan đăng ký đất đai được thông suốt, hiệu quả; đồng thời tạo ra tính minh bạch cho thị trường bất động sản, trong đó có nhà ở xã hội. TP HCM đang từng bước hoàn thành dữ liệu về đất đai – nơi mà toàn bộ thông tin về đất đai được lưu trữ trên nền tảng số. Quy chuẩn dữ liệu về đất đai đã có và được ban hành, việc cần làm là thúc đẩy thật nhanh việc tích hợp, đồng bộ thông tin đúng hướng. Kho dữ liệu về nhà ở xã hội cần được công bố công khai, minh bạch. Người có nhu cầu chỉ cần mở ứng dụng nhà ở xã hội thông qua thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng, máy tính…) với vài thao tác đơn giản là có thể dễ dàng tiếp cận, dễ dàng giao tiếp với chủ các dự án hay cơ quan công quyền có trách nhiệm xử lý.

Để thực hiện được mong muốn số hóa và công khai dữ liệu nhà ở xã hội cần có sự chung tay của tất cả ban, ngành cũng như người dân thành phố. TP HCM cần liên tục cập nhật và đóng góp để chỉnh sửa cho phù hợp quá trình xây dựng luật, nghị định, thông tư liên quan đến số hóa nhà ở xã hội, sao cho phù hợp và xứng tầm với đô thị đầu tàu của cả nước.

Quá trình rà soát, tổng hợp, thống kê, cập nhật chi tiết thông tin, số liệu các dự án nhà ở xã hội ở TP HCM là việc làm quan trọng, giúp thành phố xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung trong một lĩnh vực vốn rất “nóng” và có nhiều di biến động. Điều quan trọng hơn là sẽ giúp lãnh đạo thành phố có những chỉ đạo, quyết sách kịp thời trong công tác chỉ đạo, điều hành. Từ đó chúng ta hiện thực hóa thành công khát vọng có nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp – một khát vọng chính đáng và nhân văn. 

Song song đó, việc khai thác và quản lý thông tin về dữ liệu đất đai phải giảm thiểu tối đa dựa vào các loại giấy tờ, rút ngắn thủ tục, tinh gọn bộ máy.


Mai Đào