Đài RT cho biết quân đội Mỹ đã điều một chiếc UAV giám sát RQ-4 Global Hawk tới biển Đen ngày 17-3. Tuy nhiên, chiếc UAV này giữ khoảng cách ít nhất 100 km từ bán đảo Crimea và tránh tiếp cận không phận hạn chế. 

Chiếc RQ-4 Global Hawk ban đầu bay vòng quanh không phận Romania rồi hướng về phía Nam và phía Đông. Máy bay sau đó bay vòng quanh khu vực phía Đông của biển Đen. Nhiệm vụ này được chiếc RQ-4 Global Hawk tiến hành chỉ trong 2 giờ thay vì 12 giờ như trước đây.

Một nhà quan sát thân Ukraine viết trên mạng xã hội Twitter rằng đường bay của chiếc RQ-4 Global Hawk rất “kỳ lạ”. 

Một chiếc RQ-4 Global Hawk của không quân Mỹ. Ảnh: AP

Các quan chức Mỹ giấu tên đã xác nhận nhiệm vụ của chiếc RQ-4 Global Hawk với Reuters, đồng thời cho biết đó là chuyến bay UAV đầu tiên của quân đội nước này ở biển Đen kể từ ngày 14-3. 

Sáng 14-3, một chiếc MQ-9 Reaper của quân đội Mỹ chạm trán với chiến đấu cơ Su-27 của Nga và bị rơi xuống biển Đen. Sự cố xảy ra cách TP Sevastopol khoảng 60 km về phía Tây Nam.

Quân đội Mỹ cáo buộc các phi công Nga bay không an toàn và không chuyên nghiệp. Washington cũng công bố đoạn video cho thấy chiến đấu cơ Nga “đổ nhiên liệu” lên UAV Mỹ. Video kết thúc bằng hình ảnh cánh quạt của chiếc UAV bị hư hỏng “do vụ va chạm, khiến máy bay không thể hoạt động và rơi xuống vùng nước sâu”.

Tuy nhiên, Nga khẳng định Su-27 của họ không liên quan và đổ lỗi cho vụ rơi UAV Mỹ là do “khả năng cơ động nhạy bén của nó”.

Sáng 14-3, một chiếc MQ-9 Reaper của quân đội Mỹ chạm trán với chiến đấu cơ Su-27 của Nga và bị rơi xuống biển Đen. Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự hàng đầu của Lầu Năm Góc sau đó thảo luận với các đối tác Nga về sự cố, lần đầu tiên trong vòng nhiều tháng. Bộ Ngoại giao Mỹ còn triệu tập đại sứ Nga tại Washington để chất vấn. 

Ngày 16-3, quân đội Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục để UAV giám sát hoạt động trong không phận quốc tế miễn là không vi phạm luật nhưng sẽ cân nhắc và đảm bảo đường bay để tránh nguy cơ tương tự.

Máy bay giám sát Mỹ và NATO thường xuyên bay qua biển Đen và tiếp cận bán đảo Crimea, ngay cả trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái.


Phạm Nghĩa