Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Đình Phúc, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba (Hà Nội) cho biết bệnh viện đang phối hợp cùng Tổ chức Operation Smile thực hiện Chương trình phẫu thuật nụ cười, khám sàng lọc cho hơn 200 bệnh nhân khe hở môi – vòm miệng.

Trong số này gần 120 trường hợp đủ điều kiện phẫu thuật. Hầu hết trẻ mắc bệnh đến từ các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, là con em người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Đáng chú ý, ngoài 104 bệnh nhân là trẻ dưới 15 tuổi, chương trình cũng tiếp nhận một số bệnh nhân khe hở môi – vòm miệng lớn tuổi.

Một bệnh nhi được phẫu thuật miễn phí khe hở môi

Điển hình là nam bệnh nhân T.T.T., 38 tuổi ở huyện Mê Linh (Hà Nội) được chẩn đoán khe hở môi – vòm miệng bẩm sinh nhưng mới chỉ được phẫu thuật tạo hình môi lúc còn rất nhỏ. Khuyếm khuyết vòm miệng đã gây không ít khó khăn trong trong sinh hoạt, ảnh hưởng tới sức khoẻ, khiến bệnh nhân mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp… Cách đây ít ngày bệnh nhân đã được khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí cùng hàng trăm trường hợp khác.

“Tiêu chí lựa chọn bệnh nhân phẫu thuật môi là trẻ bị khe hở môi phải được ít nhất 6 tháng tuổi, nặng từ 8 kg trở lên và trẻ bị khe hở hàm ếch phải được ít nhất 18 tháng tuổi, nặng từ 10-12 kg trở lên. Tuy nhiên, trong quá trình sàng lọc thăm khám Chương trình phẫu thuật nụ cười vẫn tiếp nhận khám và phẫu thuật miễn phí cho những bệnh nhân lớn tuổi. Đây chính sách nhân đạo của chương trình. Thực tế chúng tôi đã tiếp nhận phẫu thuật cho những gia đình có cháu, bố và ông nội đều bị hở hàm ếch. Cách đây lâu bệnh viện cũng phẫu thuật cho một bệnh nhân ngoài 50 tuổi nhưng lần đầu tiên được khám và phẫu thuật nụ cười”- bác sĩ Phúc chia sẻ.

Nhiều bệnh nhân lớn tuổi cũng được phẫu thuật nhân đạo trong đợt này

Theo bác sĩ Phúc, hoạt động phẫu thuật nụ cười từ nay đến hết tháng 6 này là chương trình phẫu thuật lớn đầu tiên sau 2 năm xảy ra dịch Covid-19. Chương trình có sự tham gia của hơn 70 y bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện và tình nguyên viên của Tổ chức Operation Smile. Ngoài ra, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba cũng hỗ trợ một phần kinh phí cho bệnh nhân khe hở môi-vòm miệng phải điều trị bằng kỹ thuật cao, chi phí lớn.

Chương trình hoạt động với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ và phục hồi cho trẻ không may mắc phải dị tật bẩm sinh này từ lúc thai nhi đến tuổi trưởng thành, giúp trẻ sinh ra và lớn lên hoàn toàn lành lặn như bao trẻ khác, có thể đến trường cùng bè bạn mà không bị mặc cảm hay tự ti về thẩm mỹ khuôn mặt, ăn nhai và phát âm.

Tiến sĩ Phúc cho biết trước đó, bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho hàng chục nghìn trẻ em không may mắc dị tật bẩm sinh vùng hàm mặt trên khắp mọi miền đất nước, mang lại nụ cười cho các em và gia đình.

Bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân bị khe hở môi – vòm miệng cần được phẫu thuật sớm và theo dõi lâu dài

Bác sĩ Hoàng Phong Mỹ, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình – hàm mặt (Bệnh viện hữu nghị Việt Nam – Cu Ba) cho biết nếu trước đây trẻ bị khe hở môi – vòm miệng chỉ được phẫu thuật tạo hình môi, vòm miệng, thì nay sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được tư vấn chăm sóc, điều trị toàn diện như: ghép xương nắn chỉnh răng, phẫu thuật chỉnh hình xương mặt, trị liệu ngữ âm tập sửa ngọng sau phẫu thuật vòm miệng… 

“Việc phẫu thuật và trị liệu được thực hiện đúng độ tuổi sẽ giúp trẻ phát triển bình thường mà không bị mặc cảm hay tự ti về thẩm mỹ khuôn mặt, ăn nhai và phát âm. Với bệnh nhân lớn tuổi bị khe hở vòm miệng nếu không được điều trị sớm việc phẫu thuật sẽ trở nên khó khăn và nguy cơ chảy máu cũng cao hơn. Ngay cả với trị liệu ngôn ngữ, nếu thực hiện tích cực sau phẫu thuật thì hiệu quả cũng chỉ đạt 50-60% vì thói phát âm đã hình thành suốt thời gian dài”- bác sĩ Mỹ khuyến cáo.

Dị tật khe hở môi- vòm miệng (hay sứt môi, hở hàm ếch) là một dị tật bẩm sinh. Tỉ lệ dị tật này trên thế giới là 1/1.000, còn tại Việt Nam là 1/500. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra dị tật này như: di truyền, môi trường, mẹ dùng thuốc, nhiễm hóa chất, nhiễm trùng trong thời gian mang thai…


N.Dung