Ngày 31-10, thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) nêu vấn đề lãng phí khi không tận dụng được thời cơ và phát huy thế mạnh của thời kỳ dân số vàng.

Theo đại biểu Nghĩa, nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng với lực lượng lao động hùng hậu là 51,5 triệu người, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, chất lượng lao động chưa cao, tỉ lệ lao động qua đào tạo mới đạt 67% và tỉ lệ có văn bằng, chứng chỉ mới đạt 27%.

“Chất lượng nguồn nhân lực là yếu có cơ bản quyết định đến năng suất lao động, mà năng suất lao động cao là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng của quốc gia. Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu năng suất lao động tăng 1% thì GDP của toàn nền kinh tế tăng 0,94 điểm phần trăm”- đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa lo ngại lãng phí thời kỳ dân số vàng

Trong khi đó, khoảng cách về năng suất lao động giữa nước ta với các nước trong khu vực vẫn còn rất xa. Báo cáo năm 2020 của Tổ chức năng suất châu Á cũng cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam đi sau Thái Lan 10 năm, Malaysia 40 năm và Nhật bản là 60 năm.

“Nếu không có giải pháp quyết liệt, năng suất lao động của Việt Nam sẽ bị tụt hậu xa hơn so với các quốc gia trong khu vực, nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực của thời kỳ dân số vàng là hiện hữu”- ông Nghĩa lo ngại.

Bên cạnh đó, vị đại biểu đoàn Lạng Sơn cũng nhắc đến tình trạng sinh viên ra trường làm trái ngành. Theo ông, sinh viên dành từ 4 đến 6 năm học đại học cho một chuyên ngành nhưng sau đó một tỉ lệ không nhỏ lại làm việc ở một lĩnh vực khác. “Đây là lãng phí lớn cho bản thân sinh viên, gia đình, cho doanh nghiệp và xã hội”- đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Dẫn chứng thêm về lãng phí nguồn nhân lực, ông Phạm Trọng Nghĩa nhắc đến tình trạng công chức viên chức thôi việc, nhất là viên chức y tế và giáo dục. Trong bối cảnh cả nước đang thiếu hơn 100 ngàn giáo viên thì theo ông Nghĩa, tình trạng bỏ nghề của nhà giáo là hồi chuông báo động về việc sử dụng, đãi ngộ các thầy, các cô.

“Những lo toan của cuộc sống hàng ngày đã đè nặng lên vai, ngăn cản các thầy, các cô tiếp tục theo đuổi giấc mơ trồng người sau nhiều năm miệt mài đèn sách. Đây là sự lãng phí lớn cả về khía cạnh kinh tế, cả về khía cạnh xã hội, có tác động về nhiều mặt, trong đó có cả về niềm tin yêu, sự tự hào với nghề cao quý này”- đại biểu đoàn Lạng Sơn trăn trở.

Theo phân tích của ông Phạm Trọng Nghĩa, thời kỳ dân số vàng là giai đoạn chỉ có 1 lần trong quá trình phát triển của một quốc gia. Nếu giai đoạn dân số vàng diễn ra trùng với thời kỳ kinh tế ổn định, hệ thống giáo dục đảm đương tốt việc cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, thì sẽ trở thành động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Ngược lại, nếu không có chính sách phù hợp thì đất nước phải đối mặt với những thách thức như thiếu việc làm, rơi vào bẫy thu nhập trung bình, các tệ nạn xã hội gia tăng, trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển về lâu dài của đất nước.

Vì vậy, vị đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung nội dung chống lãng phí trong sử dụng nguồn nhân lực xã hội vào báo cáo giám sát. Đồng thời, bổ sung giải pháp để phát huy tối đa lợi thế của thời kỳ dân số vàng, để chuyển từ “vàng” về số lượng sang “vàng” về chất lượng; tránh lãng phí nguồn nhân lực.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành các chiến lược phát triển nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài. Chính phủ cần xây dựng cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu kỹ năng như Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề theo nhóm ngành. Đồng thời, ban hành và tổ chức thực hiện chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động, chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam và từng bước nói không với nhân công giá rẻ.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng cho rằng, cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài. Đặc biệt, thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia.

“Để làm được như vậy, cần có môi trường làm việc đủ sức thu hút, để các nhà khoa học, các chuyên gia tự tin trở về, gắn bó và hết mình công hiến cho quê hương, cho đất nước”- ông Nghĩa kiến nghị.


Minh Chiến