Những năm gần đây, Cồn Sơn tại quận Bình Thủy nổi lên là một địa điểm du lịch cộng đồng ở Cần Thơ được rất nhiều du khách biết đến và tham quan trải nghiệm. Các hộ dân tại Cồn Sơn đã tận dụng vườn cây ăn trái, ao cá… để cho ra đời nhiều sản phẩm du lịch độc đáo. Bưởi đường ở Cồn Sơn cũng trở thành sản vật được du khách yêu thích.

Giá trị kinh tế cao

Gia đình bà Bùi Trúc Hiền – chủ nhà vườn Phương My ở Cồn Sơn – có khoảng 6 công đất (6.000 m2) trồng các loại cây ăn trái như: bưởi năm roi, bưởi da xanh, mít, sầu riêng…, đặc biệt là khoảng 30 cây bưởi đường hơn 20 năm tuổi.

Bà Hiền cho biết khoảng 20 năm trước, khi bà về Cồn Sơn làm dâu thì nhà chồng đã trồng những cây bưởi đường này rồi, chúng được chăm sóc đến nay. Những năm trước, giá bưởi đường rất thấp, thương lái mua chỉ 10.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ hết mới trả tiền, nếu không hết thì trả lại cho nhà vườn.

Từ khi Cồn Sơn thành điểm du lịch, bà Hiền đã tận dụng vườn cây ăn trái sẵn có của gia đình để kết hợp phục vụ du khách. Vào cuối năm 2017, bà tham gia với địa phương làm du lịch cộng đồng và bất ngờ khi du khách rất thích thưởng thức bưởi đường. Từ đó, bà Hiền đã quan tâm đặc biệt hơn đến giống bưởi này.

Vườn bưởi đường của gia đình bà Bùi Trúc Hiền

Nhờ việc đón du khách vào tham quan vườn bưởi đường của gia đình, bà Hiền đã bán được nhiều trái hơn với giá 30.000 đồng/kg – gấp 3 lần trước đây. Vào mùa cao điểm – khoảng từ tháng 7 đến tháng 10 hằng năm – du khách tham quan nhà vườn của bà rất đông, từ 100 – 200 người/ngày, đã mang lại thu nhập đáng kể cho gia đình.

Từ chỗ bị thương lái ép giá và dội chợ, bưởi đường đã được du khách nhiều nơi ưa chuộng. Ngoài ra, nhà vườn còn tận dụng các thành phần của loại trái cây bản địa này để làm mứt, gỏi, tạo giá trị tăng thêm cho bưởi đường.

“Bưởi đường vỏ dày nên có thể tận dụng làm mứt. Mứt bưởi đường bán giá 250.000 đồng/kg nhưng không đủ số lượng để giao. Ngoài ra, có thể lấy múi bưởi đường trộn với thịt gà làm món gỏi. Bưởi đường đang mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình, giúp vợ chồng tôi nuôi 2 đứa con ăn học” – bà Hiền phấn khởi.

Chỉ một cây bưởi đường sai trĩu quả, bà Hiền cho biết giống này có cành, lá nhỏ hơn so với bưởi năm roi. Trái bưởi đường có màu xanh, khi chín ngả sang màu vàng nhạt hơn bưởi năm roi. Bưởi đường có thể đạt tối đa 2 kg/trái và loại ăn ngon phải từ 1,5 kg/trái trở xuống.

Bưởi đường có sức sống mãnh liệt và ít bị sâu bệnh. Bưởi “cụ” có thể cho trái quanh năm với khoảng 100 trái/cây. Khi ra hết trái, bưởi đường lại ra bông mà không cần phải bón phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu bệnh. Lâu lâu, gia đình chỉ bón thêm phân hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng. Kinh nghiệm cho thấy cây bưởi đường nào có nhánh chết khô thì những nhánh khác vẫn cho trái rất ngon, có khi một chùm 2-3 trái. Trong khi đó, với bưởi năm roi, nếu cây bị vàng lá thì trái thường có vị chua.

“Khi tham quan nhà vườn, du khách thích hái trái cây ăn tại chỗ và giống bưởi đường đáp ứng được nhu cầu này. Bưởi đường tuy có vỏ dày nhưng khi hái ăn ngay cho vị ngọt thanh, còn bưởi năm roi hái xuống phải để vài ngày mới mọng nước và ngọt” – bà Hiền so sánh.

Phát triển vùng trồng

Chị Trần Thiên Thư, một du khách từ TP Hà Nội, cho biết chị đã ăn nhiều loại bưởi ở miền Tây như bưởi da xanh, bưởi năm roi nhưng khi thưởng thức bưởi đường thì thấy có vị rất riêng.

“Múi bưởi khô, ít nước, giòn nên khi lột ăn không bị dính tay và vị ngọt thanh. Tôi nghĩ người dân miền Tây nên phát triển giống bưởi này để phục vụ nhu cầu của du khách” – chị Thư bày tỏ.

Bà Bùi Trúc Hiền không hiểu tại sao bưởi đường là giống bản địa, cho trái ngon nhưng không được trồng nhiều. “Ở thủ phủ bưởi năm roi nổi tiếng của miền Tây – xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long – dường như tôi không thấy ai trồng bưởi đường. Cồn Sơn có nhiều hộ trồng bưởi nhưng cũng chủ yếu là bưởi năm roi và da xanh” – bà Hiền băn khoăn.

Bưởi đường có vị ngọt thanh, múi bưởi khô rất được du khách ưa chuộng

Để phổ biến loại trái cây sản vật này, bà Hiền cho biết trong năm tới, bà sẽ chiết giống cho người dân Cồn Sơn cùng trồng. Riêng nhà vườn của bà mở rộng thêm 50 cây bưởi đường nữa để phát triển vùng trồng và tăng sản lượng phục vụ du khách. Nhằm nâng tầm thương hiệu cho bưởi đường, các nhà vườn ở Cồn Sơn cam kết sẽ cùng nhau sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch phục vụ du khách. 

Do làm du lịch nên nhà vườn Phương My cũng quan tâm đến việc tạo cảnh quan. Bên cạnh những ngôi nhà lợp bằng lá dừa được dựng trên ao là những cây bưởi đường vươn cành lá với nhiều trái lủng lẳng trên mặt nước. Khung cảnh này gợi nhớ về tuổi thơ, về ngôi nhà thôn quê ngày xưa của nhiều du khách.

Theo bà Phan Kim Ngân, Giám đốc HTX Du lịch nông nghiệp Cồn Sơn, nhận thấy nhà vườn Phương My có giống bưởi truyền thống được du khách ưa chuộng nên ngoài việc tổ chức thành điểm du lịch tại đây, HTX còn gợi ý bà Hiền đa dạng các sản phẩm từ bưởi đường.


Bài và ảnh: Ca Linh