Đề tài “Nghiên cứu chiết xuất và tạo chế phẩm chứa anthocyanin từ khoai lang tím Vĩnh Long” được Sở Khoa học và Công nghệ giao Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long và Trung tâm Sáng tạo – Kết nối cộng đồng chủ trì. ThS Hoàng Thị Thu Hằng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thông (Vĩnh Long) – chủ nhiệm đề tài, cho biết bà cùng các cộng sự vừa có báo cáo kết quả nghiên cứu trước hội đồng khoa học.

“Sâm của người nghèo”

Anthocyanin trong khoai lang tím là chất chống ôxy hóa tốt, giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do nên đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh về mắt, tim, phổi, ung thư, chống lão hóa và xơ cứng động mạch, gia tăng sức khỏe và tăng cường hệ miễn dịch…; có thể sử dụng trong sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm. Vì vậy ở Nhật, người ta coi khoai lang tím như “sâm của người nghèo”.

Theo ThS Hoàng Thị Thu Hằng, sở dĩ bà cùng cộng sự chọn khoai lang tím Nhật tại Vĩnh Long để nghiên cứu vì địa phương này trồng nhiều nhất ĐBSCL nhưng khoảng 2 năm nay bán giá rất rẻ. Nhóm nghiên cứu muốn tìm hướng đi mới cho loại nông sản này.

Khoai lang tím Nhật trồng ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long chứa hàm lượng anthocyanin khá cao. Đây là chất màu tự nhiên, không độc hại và không gây đột biến gien nên được sử dụng rộng rãi trong khẩu phần ăn của con người.

“Xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, việc ứng dụng quy trình chiết xuất và tạo sản phẩm chứa anthocyanin là vấn đề rất cần thiết, nhằm góp phần cung cấp cơ sở khoa học và sản phẩm cụ thể cho việc phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sử dụng cho khoai lang tím Vĩnh Long” – chủ nhiệm đề tài nghiên cứu nhấn mạnh.

Với kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu cho biết chế phẩm từ khoai lang tím có thể sử dụng dưới dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời phát triển thành thực phẩm chức năng, mỹ phẩm và dược phẩm. Việc này giúp mở rộng thị trường thu mua và chế biến các sản phẩm từ khoai lang tím Vĩnh Long; nâng cao giá trị sử dụng, mang lại lợi nhuận cho nông dân đang muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao.

ThS Hoàng Thị Thu Hằng (giữa) trong thời gian nghiên cứu chiết xuất anthocyanin từ khoai lang tím

Khoai lang tím được xắt mỏng và sấy thăng hoa – một công đoạn trong quá trình chiết xuất anthocyanin

Cao và bột mềm chứa anthocyanin sau khi được chiết xuất từ khoai lang tím

Tìm ra quy trình chiết xuất tối ưu

Trước khi đạt được kết quả khả quan, nhóm nghiên cứu đã nhiều lần thất bại trong việc thực hiện các quy trình chiết xuất anthocyanin. ThS Hoàng Thị Thu Hằng nhớ lại: “Thất bại cũng nhiều nhưng chúng tôi không nản lòng vì đây là công việc nghiên cứu khoa học. Cuối cùng, chúng tôi cũng tìm ra quy trình chiết xuất anthocyanin tối ưu từ khoai lang tím”.

Nhóm nghiên cứu đã xác định các thông số kỹ thuật chuẩn: Tỉ lệ nguyên liệu bột khoai/dung môi là 1/12 g/ml, nhiệt độ chiết xuất 70 độ C, dung môi là cồn 30%, thời gian chiết tách 50 phút. Hiệu suất thu được của quy trình này là 6,86% (tính trên hàm lượng nguyên liệu khô). Sản phẩm thu được dưới dạng cao và bột mềm chứa anthocyanin có tác dụng chống ôxy hóa mạnh. Để chiết xuất anthocyanin từ khoai lang tím cao nhất, cần phải có thiết bị sấy thăng hoa, vì sấy thông thường không bảo đảm hàm lượng thu được.

Ông Thái Văn Tào, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long, đánh giá nhóm nghiên cứu mới dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm chứ chưa phải nghiên cứu xây dựng sẵn quy trình ứng dụng để sản xuất công nghiệp. Nếu sản xuất quy mô lớn thì cần nghiên cứu chiết xuất trên vài trăm ký hoặc vài tấn khoai lang tím.

“Vì vậy, rất cần các cơ quan chuyên môn như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế tạo điều kiện để phát triển đề tài này thành dự án nhằm giúp tiêu thụ khoai lang tím, nâng cao giá trị nông sản và tạo thêm thu nhập cho nông dân địa phương” – ông Thái Văn Tào bày tỏ. 

Đề xuất phát triển thành dự án

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học thuộc Sở Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp Các hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long đề nghị nhóm nghiên cứu cần tìm nguồn nguyên vật liệu bảo đảm an toàn; quy trình từ khâu sơ chế đến sản phẩm đầu ra phải đạt các tiêu chuẩn của nhà sản xuất, đồng thời xem xét hoàn thiện báo cáo để trình hội đồng nghiệm thu. Các kết quả nghiên cứu cần được đăng ký bảo hộ quy trình sáng chế, bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với sản phẩm, cả về quy trình…

ThS Nguyễn Tiệp Khắc, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long, đề xuất phát triển đề tài nêu trên thành dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Đa dạng hóa sản phẩm chứa anthocyanin từ khoai lang tím”, nhằm nâng cao giá trị cho loại nông sản này.


Bài và ảnh: Ca Linh