Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Tình trạng của khu vực Kherson là không thay đổi. Đó là một chủ thể của Liên bang Nga, được xác định về mặt pháp lý”.

Ông Peskov nói thêm Nga “không hối tiếc khi tuyên bố sáp nhập Kherson và 3 khu vực khác tại Ukraine” trong buổi lễ ở thủ đô Moscow ngày 30-9.

Nga tuyên bố rút quân khỏi Kherson. Ảnh: Reuters

Dân thường sơ tán khỏi Kherson. Ảnh: Reuters

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo lực lượng Nga sẽ rút khỏi TP Kherson về phía đối diện sông Dnipro. Ông Peskov cho hay đây là quyết định của Bộ Quốc phòng và “không có gì để bổ sung”. Tuy nhiên, ông lưu ý Nga vẫn cam kết đạt được các mục tiêu trong khuôn khổ “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

“Cuộc xung đột chỉ có thể kết thúc sau khi Nga đạt được các mục tiêu hoặc đạt được các mục tiêu đó thông qua đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, do lập trường của phía Ukraine, các cuộc đàm phán hòa bình là không thể” – ông Peskov nhấn mạnh.

Ngày 11-11, Reuters dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga xác nhận “tất cả lực lượng Nga và thiết bị quân sự” đã rút về bờ Đông sông Dnipro. Bộ này cũng cho biết quân đội Ukraine đã phát động 5 đợt tấn công gần sông Dnipro bằng hệ thống rốc-két HIMARS được Mỹ cung cấp.

Theo một tướng lãnh cấp cao Mỹ, khoảng 20.000-30.000 quân Nga sẽ rút qua sông Dnipro, dự kiến mất vài ngày đến vài tuần. Nhưng với thông báo của Bộ Quốc phòng Nga ngày 11-11, tốc độ rút quân của Moscow nhanh hơn nhiều so với Washington dự đoán.

Phía Ukraine chưa bình luận về thông báo rút quân của Nga nhưng tin rằng hàng ngàn binh sĩ Nga vẫn đang hiện diện ở bờ Tây sông Dnipro. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov ước tính Nga vẫn còn khoảng 40.000 quân trong khu vực Kherson cũng như trong và xung quanh TP Kherson.

Quân đội Ukraine tuyên bố họ đã giải phóng 12 khu định cư trong ngày 10-11, bao gồm Blagodatne nằm cách trung tâm Kherson khoảng 30 km.


Phạm Nghĩa